Yêu cầu thông báo tập trung kinh tế phát sinh từ việc xử lý tài sản bảo đảm là cổ phần và phần vốn góp theo Luật Cạnh Tranh của Việt Nam
Theo quy định của Luật Cạnh Tranh 2018, nhìn chung, bất kỳ giao dịch tập trung kinh tế nào (cụ thể, bất kỳ giao dịch mua bán và sáp nhập nào) đạt Ngưỡng Thông Báo Tập Trung Kinh Tế theo Nghị Định 35/2020 sẽ phải thông báo với Ủy Ban Cạnh Tranh Quốc Gia (UBCTQG). Theo đó, việc xử lý tài sản bảo đảm là cổ phần và phần vốn góp bởi bên cho vay dẫn đến việc thay đổi về quyền kiểm soát của bên vay có thể được coi là tập trung kinh tế, và phải tuân thủ yêu cầu thông báo tập trung kinh tế theo Luật Cạnh Tranh 2018. Điều này có thể gây mất nhiều thời gian đối với bên cho vay (ví dụ, một ngân hàng Việt Nam hoặc một bên cho vay nước ngoài) (các chủ nợ có bảo đảm) trong việc xử lý cổ phần hoặc phần vốn góp được thế chấp/cầm cố trên thực tế.
Theo Nghị Định 163/2006, trong trường hợp thế chấp/cầm cố cổ phần hoặc phần vốn góp, chủ nợ và bên nhận nợ có thể thỏa thuận về những phương thức xử lý tài sản bảo đảm sau đây: (i) bán cổ phần được thế chấp/cầm cố (bằng cách bán đấu giá hoặc bán riêng lẻ); (ii) nhận chính cổ phần được thế chấp/cầm cố để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ hoặc (iii) phương thức xử lý khác.