Vietnam Business Law

View Original

TƯ CÁCH PHÁP NHÂN CỦA QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Theo pháp luật Việt Nam, một quỹ đầu tư chứng khoán (Quỹ Đầu Tư) mà không được tổ chức như một công ty cổ phần được công nhận là tổ chức kinh tế nhưng nó lại không có tư cách pháp nhân.

Thứ nhất, Quỹ Đầu Tư có thể được coi là một tổ chức theo Luật Chứng Khoán vì những lý do sau:

·         Đối tượng áp dụng của Luật Chứng Khoán bao gồm cả tổ chức và cá nhân (Điều 2 Luật Chứng khoán 2006). “Quỹ đầu tư chứng khoán” là quỹ hình thành vốn góp của các nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản. Vì Quỹ Đầu Tư không phải là cá nhân và phải tuân thủ Luật Chứng Khoán nên quỹ này nên được coi như là một tổ chức.

·         Theo Điều 22.3 Luật Đầu Tư 2014, nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ trường hợp đầu tư vào Quỹ Đầu Tư thuộc các trường hợp phải tuân thủ giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật chứng khoán. Quy định trên đã công nhận Quỹ Đầu Tư là một tổ chức kinh tế.

Về tư cách pháp nhân, Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định:

·         Để một tổ chức được công nhận là pháp nhân, ngoài việc thỏa mãn các điều kiện khác, một trong những điều kiện tiên quyết là tổ chức đó có khả năng nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Việc Quỹ Đầu Tư có thể thỏa mãn điều kiện trên hay không là không rõ ràng bởi vì Quỹ Đầu Tư không có đại diện theo pháp luật là cá nhân để tham gia vào các giao dịch đại diện cho Quỹ Đầu tư như đói với một công ty thông thường. Thay vào đó, tất cả các hoạt động của Quỹ Đầu Tư được thực hiện thông qua đại diện theo ủy quyền là công ty quản lý quỹ. Theo Phụ lục 9 Thông tư 212/2012, Bộ Tài Chính (MOF) đã phân loại Quỹ Đầu Tư thành hai nhóm bao gồm: quỹ có tư cách pháp nhân (bao gồm công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ, công ty đầu tư chứng khoán bất động sản); và quỹ không có tư cách pháp nhân (bao gồm quỹ đóng, quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ ETF, quỹ thành viên).

Cho đến hiện tại, tư cách pháp nhân của Quỹ Đầu Tư vẫn là vấn đề chưa rõ ràng trong pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, Quỹ Đầu Tư nên được công nhận tư cách pháp nhân dựa trên các cơ sở sau:

·         Quỹ Đầu Tư có tài sản độc lập và điều lệ riêng;

·         Nhà đầu tư của Quỹ Đầu Tư sở hữu quỹ thông qua giấy chứng nhận quỹ và có quyền hưởng lợi nhuận của quỹ tương đương với số vốn góp; và

·         Trong thực tế, Quỹ Đầu Tư có đủ tư cách để nhân danh chính mình tham gia vào các giao dịch khác nhau thông qua các hoạt động của “pháp nhân ủy quyền” – công ty quản lý quỹ.

Bài viết được đóng góp bởi Nguyễn Bích Ngọc - luật sư cộng sự tại Venture North Law.