Vietnam Business Law

View Original

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM – CÁC CHỦ THỂ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Theo quy định tại Bộ Luật Hình Sự 2015 (BLHS 2015), chỉ có “pháp nhân thương mại” có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. pháp nhân thương mại là một pháp nhân với mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận để chia cho các thành viên của mình. Tuy nhiên, khái niệm về pháp nhân thương mại có thể làm phát sinh một số vấn đề sau đây:

·         Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 (BLTTHS 2015) chỉ đề cập chung chung tới “pháp nhân”. Không rõ là tại sao BLTTHS 2015 không sử dụng thuật ngữ pháp nhân thương mại cho dù được soạn thảo và thông qua cùng thời điểm với BLHS 2015.

·         Mục đích chính của một pháp nhân thương mại là “tìm kiếm lợi nhuận”. Với ngoại lệ là “doanh nghiệp xã hội”, một doanh nghiệp ở Việt Nam được thành lập nhằm “mục đích kinh doanh”. Và “kinh doanh” là nhằm mục đích “sinh lợi”. Ở đây có một sự khác biệt nhỏ giữa việc dùng từ của Luật Doanh Nghiệp 2014 và Bộ Luật Dân Sự 2015. Tuy nhiên, có lẽ “sinh lợi” theo quy định của Luật Doanh Nghiệp 2014 có nghĩa giống như “tìm kiếm lợi nhuận” theo quy định của Bộ Luật Dân Sự 2015.

·         Bộ Luật Dân Sự 2015 coi doanh nghiệp xã hội không phải là pháp nhân thương mại. theo quy định của Luật Doanh Nghiệp 2014, doanh nghiệp xã hội được thành lập để giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường vì lợi ích công cộng. Tuy nhiên, doanh nghiệp xã hội vẫn có mục tiêu tạo ra lợi nhuận và vẫn chia lợi nhuận cho các thành viên của mình miễn là doanh nghiệp đó giữ lại ít nhất 51% lợi nhuận của cho mục đích xã hội của mình. Trên thực tế, một doanh nghiệp xã hội vẫn có thể phạm một tội hình sự áp dụng đối với các doanh nghiệp khác (ví dụ hủy hoại môi trường hoặc trốn thuế).

·         Vì vậy, theo quan điểm của tác giả, việc phân loại doanh nghiệp xã hội không phải là pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ Luật Dân Sự 2015 là một lỗi soạn thảo và các doanh nghiệp xã hội sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS 2015.

·         Lợi nhuận của pháp nhân thương mại được chia cho các thành viên của mình. Theo quy định của Luật Doanh Nghiệp 2014, một doanh nghiệp được quyền chia lợi nhuận cho các thành viên của mình. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có thể quyết định không chia lợi nhuận cho các thành viên của mình. Trong trường hợp này, không rõ là liệu doanh nghiệp đó có còn bị coi là pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ Luật Dân Sự 2015 hay không.

·         Các chủ thể không có tư cách pháp nhân hay pháp nhân không có mục đích thương mại không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS 2015. Cách tiếp cận này khác với cách tiếp cận ở các Quốc Gia Khác khi quy định trách nhiệm hình sự với cả chủ thể có tư cách pháp nhân và không có tư cách pháp nhân. Có lẽ, người soạn thảo BLHS 2015 muốn đưa ra một cách tiếp cận hạn chế khi định nghĩa về trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp bởi vì đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiêp. Mặc dù vậy, cách tiếp cận này có thể không công bằng với pháp nhân thương mại bởi vì có nhiều tội danh hình sự áp dụng với pháp nhân thương mại nhưng các pháp nhân khác hoặc các chủ thể không phải là pháp nhân cũng có thể phạm phải (ví dụ: tài trợ khủng bố hay hủy hoại môi trường). Ví dụ, trên thực tế, nếu một bệnh viện là đơn vị sự nghiệp công lập hủy hoại môi trường thì bệnh viện đó không phải chịu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, nếu bệnh viện là một công ty tư nhân hủy hoại môi trường thì bệnh viện đó lại phải chịu trách nhiệm hình sự cho dù trên thực tế cả hai bệnh viện trên đều thu phí dịch vụ y tế từ bệnh nhân.