NĂNG LỰC PHÁP LUẬT CỦA CHI NHÁNH CÔNG TY TẠI VIỆT NAM THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015
Theo quy định của Bộ Luật Dân Sự 2015 (BLDS 2015), năng lực pháp luật của chi nhánh bị hạn chế. Cụ thể là, chi nhánh không thể nhân danh chính mình giao kết hợp đồng bởi vì nó không phải là pháp nhân hay thể nhân tự nhiên. Bên cạnh đó, trong khi không hoàn toàn rõ ràng (xem phía dưới), có quan điểm cho rằng chi nhánh không còn khả năng đại diện cho công ty mẹ của mình. Vì vậy, không rõ là liệu một hợp đồng ký bởi chi nhánh với tư cách là đại diện cho công ty mẹ có giá trị pháp lý theo quy định mới của BLDS 2015 hay không. Điều này là bởi theo quy định của BLDS 2015,
· Chỉ có thể nhân và pháp nhân mới có thể tự nhân danh chính mình giao kết hợp đồng;
· Chỉ có thể nhân hoặc pháp nhân có thể trở thành người đại diện cho một người (thể nhân hoặc pháp nhân) khác; và
· BLDS 2005 đã từng quy định rằng chức năng của chi nhánh bao gồm chức năng đại diện theo ủy quyền. Tuy nhiên, quy định này đã bị loại bỏ khỏi BLDS 2015.
Có một số quan điểm cho rằng mặc dù có các hạn chế theo BLDS 2015, công ty mẹ vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các hợp đồng được giao kết bởi chi nhánh của mình. Cụ thể,
· Luật Doanh Nghiệp 2014 (hiện vẫn đang có hiệu lực) quy định rằng một chi nhánh có thể có chức năng đại diện cho công ty mẹ của mình. Tuy nhiên, BLDS 2015 là văn bản mới nhất và có thể có giá trị ưu tiên áp dụng trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa hai văn bản này;
· Theo BLDS 2015, công ty mẹ có các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch dân sự được xác lập và thưc hiện bởi các chi nhánh của mình. Vì vậy, cho dù chi nhánh không thể thay mặt công ty mẹ tham gia giao kết hợp đồng, công ty mẹ vẫn phải chịu trách nhiệm đối với mọi giao dịch được giao kết bởi chi nhánh của mình. Tuy nhiên, hiểu một cách chính xác thì yêu cầu công ty mẹ phải chịu trách nhiệm đối với các giao dịch được giao kết bởi chi nhánh của mình không có nghĩa là công ty mẹ phải thực hiện các giao dịch đó. Điều này có thể hiểu rằng công ty mẹ phải bồi thường đối với các thiệt hại gây ra bởi chi nhánh (do việc giao kết hợp đồng mà không được ủy quyền); và
· Trưởng chi nhánh có thể có tư cách là người đại diện của công ty mẹ. Vì vậy, nếu trưởng chi nhánh ký hợp đồng thì hợp đồng đó sẽ ràng buộc đối với công ty mẹ. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, trưởng chi nhánh sẽ thay mặt công ty mẹ ký hợp đồng chứ không phải là thay mặt chi nhánh của mình. Bên cạnh đó, nếu hợp đồng yêu cầu phải được đóng dấu, thì hợp đồng cũng sẽ được đóng bằng dấu của công ty mẹ chứ không phải là con dấu của chi nhánh.
Bài viết được đóng góp bởi Lê Thanh Nhật, thực tập sinh tại Venture North Law.