Vietnam Business Law

View Original

MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG MUA BÁN NỢ TẠI VIỆT NAM

Dưới đây là một số vấn đề pháp lý trong việc chuyển nhượng các khoản nợ (Khoản Nợ) từ một tổ chức tín dụng (Bên Khởi Tạo) cho một công ty được phép kinh doanh mua bán nợ tại Việt Nam (Công Ty Mua Bán Nợ). Giao dịch Khoản Nợ giữa một tổ chức tín dụng và một tổ chức tín dụng có lợi cho tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu hoặc phát hành chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản:

·         Các tổ chức tín dụng được phép thương lượng lãi suất cho vay dựa trên cung cầu thị trường và tín nhiệm tín dụng mà không bị hạn chế lãi suất tối đa ngoại trừ một số trường hợp. Trong khi đó, lãi suất của khoản vay cấp bởi các tổ chức phi tín dụng phải tuân thủ mức lãi suất tối đa 20%/năm theo Bộ Luật Dân Sự 2015. Trên thực tế, lãi suất cho vay tiêu dùng khá cao và có thể cao hơn mức lãi suất tối đa 20%/năm. Nếu lãi suất của các Khoản Nợ cao hơn 20% mỗi năm, thì không rõ theo luật liệu Công Ty Mua Bán Nợ, khi sở hữu Khoản Nợ, có thể tiếp tục tính lãi suất như vậy hay không;

·         Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được dùng để bảo đảm nghĩa vụ trả Khoản Nợ của người vay, thì việc chuyển nhượng thế chấp đó cho Công Ty Mua Bán Nợ với tư cách là bên nhận thế chấp có thể không thực hiện được. Điều này là do theo Luật Đất Đai 2013, người sử dụng đất là tổ chức có quyền và nghĩa vụ "thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam". Công Ty Mua Bán Nợ với tư cách là tổ chức phi tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam không được phép nhận thế chấp;

·         Nếu các Khoản Nợ là các khoản vay được cấp cho một chủ đầu tư để phát triển dự án phát triển nhà ở thương mại, thì không rõ theo luật liệu có thể chuyển nhượng Khoản Nợ từ Bên Khởi Tạo với tư cách là một tổ chức tín dụng sang Công Ty Mua Bán Nợ không. Điều này là bởi Điều 69 của Luật Nhà Ở 2014 giới hạn nguồn vốn để thực hiện một dự án phát triển nhà ở thương mại ở, bao gồm nhưng không giới hạn, khoản vay cấp bởi các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính hoạt động tại Việt Nam. Vì vậy, nếu các Khoản Nợ được chuyển nhượng cho Công Ty Mua Bán Nợ không phải là tổ chức tín dụng, các Khoản Nợ đã chuyển nhượng không thuộc các loại nguồn vốn được Luật Nhà Ở 2014 cho phép đối với dự án phát triển nhà ở thương mại;

·         Bên Khởi Tạo với tư cách là tổ chức tín dụng phải tuân thủ các nghĩa vụ bảo mật với khách hàng theo quy định về ngân hàng. Bên Khởi Tạo với tư cách là tổ chức tín dụng không được phép cung cấp “thông tin khách hàng” liên quan đến Khoản Nợ và bên nợ Khoản Nợ cho Công Ty Mua Bán Nợ trừ khi có sự chấp thuận bằng văn bản của bên nợ hoặc dưới hình thức khác theo thỏa thuận với bên nợ. Công Ty Mua Bán Nợ cũng phải giữ bí mật thông tin khách hàng đó và chỉ có thể cung cấp thông tin khách hàng đó cho bên thứ ba nếu được bên nợ chấp thuận; và

·         Nếu các Khoản Nợ là một phần của khoản vay hợp vốn do Bên Khởi Tạo tham gia cùng với các tổ chức tín dụng khác, thì không rõ liệu các Khoản Nợ có thể chuyển nhượng cho Công Ty Mua Bán Nợ hay không, bởi vì với tư cách là một một tổ chức phi tín dụng, Công Ty Mua Bán Nợ không được tham gia giao dịch vay hợp vốn theo Thông Tư 42/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong trường hợp này, để mua các Khoản Nợ, Công Ty Mua Bán Nợ có thể cần phải mua toàn bộ khoản vay hợp vốn để chuyển đổi nó thành khoản vay song phương.

Bài viết được đóng góp bởi Hà Thị Dung, luật sư thành viên tại Venture North Law.