QUYỀN SỞ HỮU TIỀN GỬI NGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của một ngân hàng (Ngân Hàng) là nhận tiền (Tiền Gửi) được gửi bởi khách hàng (Người Gửi) và cho vay những khoản tiền đó cho người vay. Do đó, về mặt pháp lý, điều quan trọng là cần xác định ai sở hữu Tiền Gửi. Đáng tiếc, luật ngân hàng Việt Nam không làm rõ việc liệu sau khi Người Gửi thực hiện gửi Tiền Gửi cho Ngân Hàng, Ngân Hàng hay Người Gửi sở hữu Tiền Gửi.
Trường hợp là Ngân Hàng
Kết luận hợp lô ghích nhất là:
· Ngân Hàng là chủ sở hữu của Tiền Gửi;
· Người Gửi không phải là chủ sở hữu của Tiền Gửi, nhưng Người Gửi có quyền theo hợp đồng để yêu cầu Ngân Hàng trả lại Tiền Gửi cho Người Gửi theo các điều khoản về Tiền Gửi; và
· Người vay sẽ sở hữu Tiền Gửi sau khi vay Tiền Gửi từ Ngân Hàng.
Quan điểm này được hỗ trợ bởi các quy định khác nhau trong Bộ Luật Dân Sự 2015. Điều 463 của Bộ Luật Dân Sự 2015 định nghĩa một hợp đồng vay tài sản là “sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Theo hợp đồng tiền gửi, Ngân Hàng sẽ nhận Tiền Gửi từ Người Gửi và hoàn trả tiền gốc.
Một hợp đồng tiền gửi có thể được coi là một “hợp đồng vay tài sản” liên quan tới Tiền Gửi. Theo Điều 464 Bộ Luật Dân Sự 2015, Ngân Hàng sẽ trở thành chủ sở hữu của Tiền Gửi kể từ thời điểm nhận Tiền Gửi từ Người Gửi. Và giống như trong một hợp đồng vay, Người Gửi sẽ sở hữu một quyền theo hợp đồng để yêu cầu một khoản tiền từ Ngân Hàng. Quan điểm này phù hợp với các quy định về hoạt động và phá sản của một Ngân Hàng.
Về hoạt động của Ngân Hàng, Tiền Gửi được ghi nhận là nguồn vốn có thể được Ngân Hàng sử dụng để kinh doanh cho vay. Theo Điều 4 của Nghị Định 93/2017, vốn hoạt động của một Ngân Hàng bao gồm, nhưng không giới hạn, tiền gửi từ các tổ chức và cá nhân. Theo Điều 6.1 của Nghị Định 93/2017, Ngân Hàng có quyền sử dụng vốn hoạt động để kinh doanh theo Luật Tổ Chức Tín Dụng, bao gồm các hoạt động cho vay. Nếu Ngân Hàng cho vay Tiền Gửi của mình cho người vay, thì Người Vay ngược lại sẽ có quyền sở hữu đối với Tiền Gửi đó để Người Vay có thể sử dụng tiền cho các hoạt động của mình. Nếu Ngân Hàng không có quyền sở hữu đối với Tiền Gửi thì Ngân Hàng không thể chuyển quyền sở hữu đó cho người vay.
Liên quan đến việc phá sản của Ngân Hàng, Tiền Gửi được coi là một phần tài sản của Ngân Hàng khi phá sản, hơn là tài sản của người khác. Theo Điều 101 của Luật Phá Sản 2014 về thứ tự phân chia tài sản của tổ chức tín dụng bị phá sản, thì khoản tiền gửi được hoàn trả từ tài sản của tổ chức tín dụng có thứ tự ưu tiên cao hơn các chủ nợ không có bảo đảm khác. Vì khoản tiền gửi được hoàn trả từ tài sản của tổ chức tín dụng, nên chúng không nên được coi là tài sản của Người Gửi.
Trường hợp là Người Gửi
Điều 6.4 của Quyết Định 1160/2004 về quy định tiền gửi tiết kiệm quy định rằng chủ sở hữu của một khoản tiền gửi tiết kiệm là người có tên trên chứng chỉ tiền gửi tiết kiệm. Quyết Định 1160/2004 áp dụng đối với Tiền Gửi của Người Gửi là cá nhân. Điều khoản cụ thể này có thể được sử dụng làm cơ sở để Người Gửi cá nhân để tuyên bố rằng họ là chủ sở hữu của Tiền Gửi. Tuy nhiên, quy định này không thống nhất với các quy định khác trong Quyết Định 1160/2004. Ví dụ,
· Điều 20 của Quyết Định 1160/2004 chỉ quy định việc chuyển quyền sở hữu đối với chứng chỉ tiền gửi (mà không phải là Tiền gửi); và
· Điều 21 của Quyết định 1160/2004 chỉ quy định về cầm cố đối với chứng chỉ tiền gửi (không phải là Tiền Gửi).
Nếu Người Gửi là chủ sở hữu của Tiền Gửi thì các điều khoản này nên dẫn chiếu tới Tiền Gửi thay vì chứng chỉ tiền gửi. Quyết Định 1160/2004 là một văn bản thi hành của Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 1997 cũ đã bị bãi bỏ. Do đó, hiệu lực của Quyết Định 1160/2004 cũng không rõ ràng.
Bài viết này được đóng góp bởi Nguyễn Hoàng Duy, luật sư cộng sự tại Venture North Law.