NHẬN DIỆN CỔ ĐÔNG LỚN TRONG MỘT NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM
Theo quy định của Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2010,
· Cổ đông lớn của một ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam (Ngân Hàng VN) là cổ đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Ngân Hàng VN. Sở hữu gián tiếp được định nghĩa là một tổ chức hoặc các nhân sở hữu vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần của một tổ chức tín dụng thông qua một người liên quan hoặc quỹ đầu tư; và
· Yêu cầu phải có chấp thuận của NHNN đối với “việc chuyển nhượng cổ phần bởi cổ đông lớn” hoặc “chuyển nhượng cổ phần dẫn tới một cổ đông lớn trở thành cổ đông nhỏ và ngược lại.”
Theo định nghĩa về “cổ đông lớn”, một công ty nắm giữ (Công Ty Mẹ), sở hữu gián tiếp cổ phần trong Ngân Hàng VN thông qua một trong số các công ty con của mình (Công Ty Con) có thể bị coi là cổ đông lớn của Ngân Hàng VN nếu tổng số cổ phần nắm giữ từ 5% trở lên. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, không rõ là:
· Liệu Công Ty Con hay Công Ty Mẹ hay cả hai bị xem là cổ đông lớn của Ngân Hàng Việt Nam. Và nếu Công Ty Mẹ chỉ sở hữu một phần Công Ty Con, thì liệu việc nắm giữ cổ phần gián tiếp trong Ngân Hàng VN của Công Ty Mẹ có bị tính dựa trên việc nắm giữ của Công Ty Mẹ trong Công Ty Con hay không; và
· Liệu việc chuyển nhượng cổ phần của Công Ty Mẹ trong Công Ty Con có bị xem là chuyển nhượng cổ phần trong Ngân Hàng VN và cần phải có chấp thuận của NHNN hay không.
Đối với vấn đề đầu tiên, nếu chỉ có Công Ty Con hoặc Công Ty Mẹ bị coi là cổ đông lớn của Ngân Hàng VN, thì khi đó việc nắm giữ của chủ thể còn lại trong Ngân Hàng sẽ không bị điều chỉnh. Vì vậy, về mặt lô-gíc, cả Công Ty Mẹ và Công Ty Con phải cùng nhau được coi là một cổ đông lớn. Thêm vào đó, việc xem cảCông Ty Mẹ và Công Ty Con cùng là một cổ đông lớn sẽ giúp loại bỏ việc tính tới mức nắm giữ gián tiếp của Công Ty Mẹ trong Ngân Hàng VN.
Đối với vấn đề thứ hai, sẽ là hợp lý nếu coi (1) chỉ có việc chuyển nhượng cổ phần trong Ngân Hàng VN của Công Ty Con mới cần có chấp thuận của NHNN, và (2) việc chuyển nhượng cổ phần trong Công Ty Con của Công Ty Mẹ không phải là chuyển nhượng cổ phần trong Ngân Hàng VN. Điều này là bởi:
· Cổ phần được đề cập tới trong quy định về chuyển nhượng cổ phần nên là cổ phần trong Ngân Hàng VN. Bởi lẽ Công Ty Con hoặc Công Ty Mẹ có thể không có cổ phần;
· Người xin chấp thuận của NHNN là Ngân Hàng VN. Sẽ là không hợp lý nếu yêu cầu Ngân Hàng VN phải biết về việc chuyển nhượng cổ phần trong Công Ty Con và xin chấp thuận của NHNN; và
· Trong khi có định nghĩa về sở hữu gián tiếp nhưng lại không có định nghĩa về chuyển nhượng gián tiếp theo quy định của Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2010.
Nếu cách diễn giải nêu trên được áp dụng, khi đó, Công Ty Mẹ có thể chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình trong Công Ty Con mà không cần phải có chấp thuận của NHNN.
Bài viết được đóng góp một phần bởi Lưu Hoàng Hải từ Venture North Law.