Vietnam Business Law

View Original

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA LUẬT SƯ ĐỐI VỚI VIỆC KHÔNG TỐ GIÁC CÁC TỘI PHẠM ĐƯỢC THỰC HIỆN BỞI CÔNG TY TẠI VIỆT NAM

Theo Điều 19.3 của Bộ Luật Hình Sự 2015 của Việt Nam, nếu một người bào chữa, trong quá trình bảo vệ cho bị cáo, biết rõ tội phạm đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện hoặc đang được chuẩn bị thực hiện bởi bị cáo đó, người bào chữa sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với việc không tố giác tội phạm đó với cơ quan có thẩm quyền trừ trường hợp tội phạm đó là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia. Đây dường như là một phiên bản cấp thấp của Đặc Quyền Luật Sư và Thân Chủ (Attorney-Client Privilege) trong một số hệ thống pháp luật khác. Bộ Luật Hình Sự 1999 trước đây không quy định rõ ràng việc miễn trừ trách nhiệm nhiệm hình sự của người bào chữa đối với việc không tố giác tội phạm. Quyền được miễn trừ của người bào chữa theo Điều 19.3 được đưa ra lần đầu trong Bộ Luật Hình Sự 2015. Khi áp dụng Điều 19.3 trong trường hợp liên quan tới trách nhiệm hình sự của công ty, những điểm sau nên được lưu ý:

·         Người bào chữa được định nghĩa là người được người bị buộc tội (cá nhân hoặc pháp nhân thương mại) nhờ bào chữa cho người bị buộc tội đó theo quy định tại Điều 72 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015. Một luật sư sẽ trở thành người bào chữa khi luật sư đó được chỉ định theo thủ tục tố tụng (Thời Điểm Được Chỉ Định). Vì vậy, trước Thời Điểm Được Chỉ Định, luật sư không được hưởng quyền miễn trừ theo Điều 19.3.

·         Cho dù trước hay sau Thời Điểm Được Chỉ Định, một luật sư bảo vệ cho pháp nhân thương mại trong một vụ án hình sự cũng không được hưởng quyền miễn trừ theo Điều 19.3 đối với trường hợp các tội phạm sau (1) buôn lậu, (2) sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, và (3) sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; và

·         Trước Thời Điểm Được Chỉ Định, luật sư có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với việc không tố giác các tội phạm sau nếu luật sư “biết rõ” về tội phạm đó: (1) tài trợ khủng bố, (2) rửa tiền, (3) vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, (4) sản xuất, buôn bán hàng cấm, (5) tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, (6) sản xuất, buôn bán hàng giả, (7) sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, (8) sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, (9) sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, (10) đầu cơ, và (11) phá rừng.

Bài viết được đóng góp bởi Trần Thị Hà Phương, thực tập sinh tại Venture North Law và Hà Thị Dung, luật sư thành viên của Venture North Law.