Phân loại ngành nghề kinh doanh theo VSIC và CPC Tạm Thời
Theo các biểu mẫu hiện hành áp dụng cho các thủ tục đầu tư để xin cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư hoặc đăng ký mua lại cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài và công ty mục tiêu phải kê khai ngành nghề kinh doanh của công ty mục tiêu theo cả Hệ Thống Phân Loại Ngành Kinh Tế Việt Nam (VSIC) và Hệ Thống Phân Loại Sản Phẩm Trung Tâm Tạm Thời (CPC Tạm Thời). VSIC dựa trên Hệ Thống Phân Loại Ngành Kinh Tế Quốc Tế, không phải CPC Tạm Thời. Do đó, có thể có một số khác biệt giữa phạm vi của các dịch vụ theo VSIC và theo CPC Tạm Thời. Nói cách khác, khi đăng ký ngành nghề kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài có thể phải đối mặt với vấn đề trong đó phạm vi của một nhóm theo một hệ thống phân loại có thể không nằm trong nhóm tương ứng theo hệ thống phân loại khác.
Trong những trường hợp như vậy, sẽ là hợp lý để các nhà đầu tư nước ngoài quyết định chỉ tuân thủ theo một hệ thống phân loại. Ví dụ, một nhà đầu tư Nhật Bản cung cấp dịch vụ sửa chữa thiết bị chiếu sáng điện có thể phân loại ngành nghề của họ thành (i) “Sửa chữa thiết bị điện” (VSIC 3314); và (ii) “Dịch vụ sửa chữa đồ cá nhân và hộ gia đình” (CPC 6330). Nếu nhà đầu tư muốn tiếp tục cung cấp dịch vụ sửa chữa máy móc thiết bị điện, thì nhà đầu tư đó không cần phải đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh. Điều này là do:
· “dịch vụ sửa chữa máy móc thiết bị điện” đã nằm trong các ngành nghề kinh doanh đã đăng ký của nhà đầu tư đó, đó là VSIC 3314;
· trong trường hợp có sự không nhất quán giữa VSIC và CPC, không có quy định nào yêu cầu rằng hệ thống khắt khe hơn sẽ áp dụng. Trên thực tế, dựa trên nguyên tắc các doanh nghiệp có quyền tiến hành các ngành nghề kinh doanh không bị pháp luật cấm, có thể cho rằng một công ty có thể quyết định tuân theo phạm vi hoạt động rộng hơn miễn là các hoạt động đó không bị cấm. Nói cách khác, trừ khi cơ quan nhà nước có quan điểm khác trong tương lai, nhà đầu tư Nhật Bản không cần thiết phải cập nhật các ngành nghề kinh doanh của mình trong trường hợp này; và
· theo BIT Việt Nam-Nhật Bản 2003 và CPTPP, các dịch vụ này không được liệt kê là dịch vụ mà Việt Nam hạn chế mở cửa thị trường. Do đó, các nhà đầu tư Nhật Bản nên được cho phép cung cấp các dịch vụ này.
Bài viết được chuẩn bị bởi Nguyễn Thu Giang và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.