Nghị Định 40/2019 - Những Sửa Đổi Mới Về Quy Định Bảo Vệ Môi Trường Tại Việt Nam
Nghị Định 40/2019 sửa đổi bốn nghị định khác nhau về bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2019. Dưới đây là một số sửa đổi quan trọng mà Nghị Định 40/2019 đưa ra:
· Thuật ngữ “Khu công nghiệp” được mở rộng để bao gồm tất cả các loại như khu chế xuất, khu công nghệ cao hoặc cụm công nghiệp.
· “Công trình, hạng mục chính của dự án” là thành phần chính của dự án được nêu trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
· Danh sách các dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐGTĐMT) được điều chỉnh. Ví dụ, đầu tư vào một sân golf giờ đây phải thực hiện ĐGTĐMT. Những dự án nhất định mà không có công trình xử lý nước thải hoặc công trình xử lý chất thải đều được miễn kiểm tra sau thi công. Chỉ các dự án dân cư có sức chứa 2000 người (thay vì 500) trở lên phải thực hiện ĐGTĐMT. Chỉ các dự án khách sạn có sức chứa 200 phòng (thay vì 50) phải thực hiện ĐGTĐMT.
· Sản xuất công nghiệp được phân loại thành nhiều lĩnh vực khác nhau với mức độ rủi ro khác nhau đối với môi trường. Sự phát triển của các dự án sản xuất có rủi ro rất cao đối với môi trường phải được tư vấn bởi các chuyên gia và nhà khoa học về môi trường, và việc thẩm định các báo cáo ĐGTĐMT của các dự án này phải được tiến hành bởi một hội đồng thẩm định.
· Báo cáo ĐGTĐMT của một dự án phải được cập nhật trong các trường hợp sau: (1) một dự án xây dựng, trong vòng 24 tháng kể từ ngày phê duyệt báo cáo ĐGTĐMT, không có bất kỳ hạng mục nào được thực hiện bởi chủ dự án trong giai đoạn xây dựng của dự án theo quy định của luật xây dựng; (2) các dự án chưa được đưa vào hoạt động nhưng có (i) sự mở rộng quy mô và nâng công suất (mở rộng dây chuyền sản xuất chính, bổ sung các công trình và hạng mục chính) của dự án làm phát sinh chất thải vượt quá khả năng xử lý chất thải của công trình bảo vệ môi trường; hoặc (ii) sự thay đổi trong công nghệ sản xuất các sản phẩm chính của dự án hoặc sự thay đổi trong công nghệ xử lý chất thải của dự án mà có thể gây ra tác động xấu đến môi trường; hoặc (iii) việc mở rộng quy mô đầu tư của khu công nghiệp; bổ sung thêm các ngành sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp.
· Những thay đổi của dự án phải được thông báo bằng văn bản và được chính quyền phê duyệt bao gồm (1) dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp với các ngành sản xuất bổ sung có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; (2) việc mở rộng quy mô và nâng công suất, thay đổi công nghệ của dự án sản xuất mà ít nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
· Việc đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường (KHBVM) được áp dụng cho các dự án sau đây, bên cạnh những dự án khác: (1) dự án/phương án đầu tư kinh doanh, dự án/phương án mở rộng quy mô hoặc nâng công suất của các cơ sở kinh doanh có phát sinh lượng nước thải từ 20m3/ngày (24 giờ) đến dưới 500m3/ngày (24 giờ) hoặc chất thải rắn từ 1 tấn/ngày (24 giờ) đến dưới 10 tấn/ngày (24 giờ) hoặc khí thải từ 5.000m3/giờ đến dưới 20.000m3/giờ (bao gồm cả cơ sở đang hoạt động và phần mở rộng). Cơ quan xác nhận đăng ký KHBVMT bao gồm cơ quan môi trường chuyên trách (Sở TNMT) và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Dường như Ủy ban Nhân dân cấp huyện và Ban quản lý khu công nghiệp không còn có thẩm quyền xác nhận đăng ký KHBVMT nữa theo Nghị Định 40/2019.
Bài viết được thực hiện bởi Lê Minh Thùy và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.