Vietnam Business Law

View Original

Bản chất của kinh doanh “voucher” theo luật Việt Nam

Tại Việt Nam, voucher (phiếu mua hàng) không chỉ được sử dụng như một phương thức khuyến mại, mà còn là một loại “sản phẩm” được bán trên rất nhiều trang thương mại điện tử. Cụ thể, một bên kinh doanh voucher có thể bán voucher cho các người sử dụng của mình, mà các voucher đó có thể được sử dụng cho các hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định cung cấp bởi các nhà phân phối nhất định. Người sử dụng sau đó sẽ sử dụng voucher để có được hàng hóa hoặc dịch vụ từ các nhà phân phối thường là với giá chiết khấu. Như phân tích dưới đây của chúng tôi sẽ cho thấy, bản chất pháp lý của việc kinh doanh voucher tại Việt Nam là chưa rõ ràng, và vì vậy các mô hình kinh doanh dựa trên việc mua bán voucher có thể phát sinh những rủi ro nhất định.

Voucher không phải là một loại hàng hóa hay dịch vụ

Mặc dù luật không đề cập đến vấn đề này, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có vẻ như cho rằng voucher không phải là hàng hóa hay dịch vụ:

·         Nhiều hướng dẫn từ Tổng Cục Thuế quy định rằng các công ty không thể phát hành hóa đơn Thuế Giá Trị Gia Tăng (GTGT) đối với việc mua bán voucher. Trong khi đó, theo Điều 3 của Luật Thuế GTGT 2008, tất cả các “hàng hóa, dịch vụ” được sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam phải chịu thuế GTGT, trừ một số lượng hạn chế hàng hóa hoặc dịch vụ không chịu thuế quy định bởi luật; và

·         Voucher ít khả năng được coi là một đối tượng không chịu thuế theo Luật Thuế GTGT 2008. Các cơ quan thuế đã có thể xác nhận một cách rõ ràng trong các hướng dẫn về hóa đơn GTGT liên quan đến voucher, nếu voucher được coi là một đối tượng không chịu thuế như vậy.

Vì lý do này, các mô hình kinh doanh chỉ dựa vào việc mua bán voucher có thể không được coi là một hình thức “kinh doanh” như được định nghĩa theo luật. Cụ thể, Điều 4.16 của Luật Doanh Nghiệp 2014 định nghĩa “kinh doanh” là “việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình, đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.” Do đó, có thể suy luận rằng việc mua bán voucher không phải là một hoạt động kinh doanh được luật cho phép.

Không có căn cứ pháp lý cho việc kinh doanh voucher không mang mục đích khuyến mại

Luật chỉ đưa ra quy định về kinh doanh voucher khuyến mại (voucher cho phép khách hàng được mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ của một công ty hoặc của các đối tác của công ty đó với giá chiết khấu hoặc được hưởng các lợi ích khác) thông qua các trang web, được coi là dịch vụ khuyến mại trực tuyến theo Nghị Định 52/2013 về thương mại điện tử. Không có căn cứ pháp lý cho việc mua bán voucher không phải là voucher khuyến mại, là những voucher mà được bán với giá bằng với giá của hàng hóa/dịch vụ có thể nhận được bằng việc sử dụng các voucher đó.

Voucher vòng mở như một công cụ thanh toán trái phép

Một loại voucher khác thường được bán là voucher vòng mở. Nó được phát hành bởi bên bán, nhưng có thể được sử dụng để đổi lấy hàng hóa và dịch vụ, hoặc để thanh toán một phần hàng hóa và dịch vụ tại nhiều đối tác khác nhau của công ty kinh doanh voucher. Nếu số lượng đối tác của công ty kinh doanh voucher đủ lớn và đa dạng, voucher vòng mở có thể được coi là một công cụ thanh toán trái phép bởi một số đặc tính của nó, ví dụ:

·         giá trị trên voucher đại diện cho khoản được trả trước bởi bên mua cho bên phát hành;

·         voucher có thể được sử dụng như một công cụ thay thế tiền khi thanh toán hàng hóa hoặc dịch vụ; và

·         việc sử dụng voucher vòng mở bởi bên mua tương tự như việc yêu cầu thực hiện giao dịch thanh toán được gửi tới bên phát hành, bởi bên phát hành cuối cùng sẽ chuyển khoản tiền mà bên đó đã nhận trước của bên mua cho các đối tác (bên thứ ba) căn cứ theo voucher đó.

Vi phạm tiềm ẩn đối với quyền lợi của người tiêu dùng

Voucher được bán bởi công ty kinh doanh voucher thường có ngày hết hạn và quy định rằng người sử dụng không thể quy đổi voucher đã được bán thành tiền mặt nếu các voucher đó không được sử dụng. Hạn chế này tương tự như việc bên bán hàng hóa hoặc bên cung ứng dịch vụ không hoàn trả tiền thừa cho người tiêu dùng của mình. Theo đó, hạn chế áp dụng cho voucher có thể bị coi là một vi phạm đối với quyền lợi của người tiêu dùng bởi nó miễn cho nhà cung cấp một trong số những những nghĩa vụ hàm ẩn của mình (hoàn trả tiền thừa cho khách hàng).

Bài viết được thực hiện bởi Nguyễn Thục Anh và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.