Vietnam Business Law

View Original

Dự Thảo Nghị Định Mới Hướng Dẫn Thi Hành Luật Đầu Tư 2020

Vào tháng 10 năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư (BKHĐT) đã công bố Dự Thảo Nghị Định hướng dẫn thi hành Luật Đầu Tư 2020 (Dự Thảo Nghị Định). Dự Thảo Nghị Định sẽ thay thế Nghị Định 118/2015 hướng dẫn thi hành Luật Đầu Tư 2014. Một vài thay đổi đáng kể được quy định trong Dự Thảo Nghị Định sẽ được thảo luận bên dưới:

·        Bảo lãnh Chính phủ - Dự Thảo Nghị Định làm rõ rằng bảo đảm đầu tư theo Điều 11.2 của Luật Đầu Tư 2020 có thể bao gồm: (1) bảo đảm cân đối hoặc hỗ trợ cân đối ngoại tệ, và (2) bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp nhà nước. Việc làm rõ như trên có vẻ như đã quay trở lại với quy định trong Luật Đầu Tư 2014 về bảo lãnh Chính phủ, mà sau đó đã bị Luật Đầu Tư 2020 bãi bỏ.

Tuy nhiên, không rõ liệu Chính phủ có thể ban hành quy định làm rõ này dưới hình thức một Nghị Định của Chính phủ hay không bởi Luật Đầu Tư 2020 không cho phép Chính phủ có thẩm quyền ban hành các ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư mà không được Luật Đầu Tư 2020 quy định mà không được Quốc Hội chấp thuận.  Bảo đảm cân đối hoặc hỗ trợ cân đối ngoại tệ và bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ hợp đồng cũng có thể bị coi là một loại ưu đãi đầu tư.

·         Danh mục các điều kiện đầu tư đối với cho nhà đầu tư nước ngoài – Để thực thi quy định về “danh mục hạn chế đầu tư” theo Luật Đầu Tư 2020, Dự Thảo Nghị Định bao gồm một danh mục ngành, nghề có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo Luật Đầu Tư 2020, bất kỳ ngành, nghề nào không được liệt kê trong danh mục hạn chế sẽ được mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Cách tiếp cận này sẽ quy định rõ ràng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, danh mục đính kèm với Dự Thảo Nghị Định bao gồm “các ngành, nghề kinh doanh mới chưa thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam” vào ngày 1 tháng 1 năm 2021.  Quy định mang tính chung chung này sẽ cho phép cơ quan có thẩm quyền từ chối việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài nếu cơ quan có thẩm quyền cho rằng một ngành nghề hoặc lĩnh vực kinh doanh là mới và chưa từng được thực hiện tại Việt Nam.

·         Áp dụng danh mục hạn chế đầu tư - Dự Thảo Nghị Định quy định rằng các điều kiện đầu tư được quy định trong danh mục hạn chế áp dụng cho một nhà đầu tư nước ngoài hoặc một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIEs), mà các doanh nghiệp đó bị kiểm soát bởi nhà đầu tư nước ngoài. Quy định này có vẻ như chỉ ra rằng một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị kiểm soát bởi các nhà đầu tư nước ngoài không phải tuân thủ các quy định đầu tư được liệt kê trong danh mục. Dự Thảo Nghị Định cũng làm rõ rằng trong trường hợp không có quy định cho một ngành, nghề trong danh mục hạn chế theo pháp luật Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được đối xử như nhà đầu tư trong nước.

·         Làm rõ về dự án được hưởng ưu đãi đầu tư – Dự Thảo Nghị Định quy định chi tiết hơn về các loại dự án đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định đầu tư như dự án đầu tư khởi nghiệp, dự án đầu tư chuỗi phân phối, hoặc dự án cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự Thảo Nghị Định cũng yêu cầu nhà đầu tư trong các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt phải cam kết về lịch trình góp vốn và lịch trình đầu tư theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, hoặc theo thỏa thuận với cơ quan Chính phủ.

·         Quy định mốc thời gian ký quỹ sớm hơn cho các dự án đầu tư –Dự Thảo Nghị Định đề xuất yêu cầu nhà đầu tư phải lập dự án đầu tư trước khi có chấp thuận kế hoạch bồi thường về đất thay vì trước khi bàn giao đất.

·         Dự án đầu tư với thời hạn 70 năm – Một dự án công nghiệp có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên và thời hạn thu hồi vốn đầu tư/khấu hao tài sản từ 10 năm trở lên có thể có thời hạn đầu tư là 70 năm thay vì 50 năm.

·        Dự án đầu tư không được gia hạn thời hạn – Dự Thảo Nghị Định quy định rằng dự án đầu tư có hiệu suất dưới 85% so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế sẽ không được gia hạn thời hạn.

·         Kiểm toán vốn đầu tư – Dự Thảo Nghị Định quy định thủ tục để cơ quan đầu tư kiểm toán giá trị phần vốn góp bởi nhà đầu tư. Nghị Định 118/2015 chỉ có quy định về thủ tục để kiểm tra công nghệ máy móc sử dụng bởi nhà đầu tư.

·         Yêu cầu về vốn đầu tư tối thiểu – Theo Dự Thảo Nghị Định, Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh, thành phố có thể yêu cầu dự án đầu tư có yêu cầu cấp đất từ Nhà nước phải đáp ứng mức vốn đầu tư tối thiểu dựa trên diện tích đất yêu cầu.

·         Thủ tục đầu tư cho các dự án đặt tại nhiều tỉnh – Dự Thảo Nghị Định hiện đã có các thủ tục cụ thể để ban hành quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án được đặt tại nhiều tỉnh (ví dụ: dự án về đường hoặc đường ống).

·         Thủ tục đăng ký trực tuyến –Dự Thảo Nghị Định quy định các thủ tục chi tiết để nhà đầu tư đăng ký một dự án đầu tư trực tuyến tương tự như việc đăng ký trực tuyến để thành lập một công ty theo Luật Doanh Nghiệp. Dự Thảo Nghị Định cũng quy định các thủ tục để theo đó nhà đầu tư có thể trả lại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu dự án đầu tư ngay từ đầu không cần phải có giấy chứng nhận đầu tư.

·         Sáp nhập và tách một dự án đầu tư – Dự Thảo Nghị Định đưa ra khái niệm và thủ tục để sáp nhập hoặc tách một dự án đầu tư tương tự như sáp nhập hoặc tách công ty. Tuy nhiên, không rõ bằng cách nào các thủ tục và khái niệm này sẽ được thực thi chi tiết do một dự án đầu tư không phải là một pháp nhân và không có ranh giới rõ ràng.

·         Góp vốn bằng một dự án đầu tư - Dự Thảo Nghị Định cho phép nhà đầu tư góp dự án đầu tư vào làm vốn chủ sở hữu tại một công ty và công ty đó sẽ thay thế nhà đầu tư ban đầu để trở thành nhà đầu tư của dự án đầu tư. Dự Thảo Nghị Định cũng cho phép nhà đầu tư trong một dự án đầu tư được thực hiện dự án thông qua một thỏa thuận hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, do khái niệm hợp tác kinh doanh không rõ ràng, không rõ là việc thực hiện thỏa thuận này sẽ được thực hiện như thế nào.

Bài viết được thực hiện bởi Nguyễn Quang Vũ.