Nghị Định 10/2020 và nền tảng đặt xe tại Việt Nam
Vào ngày 17 tháng 1 năm 2020, Chính Phủ đã ban hành một Nghị Định mới (Nghị Định 10/2020) để thay thế Nghị Định 86 ngày 10 tháng 9 năm 2014 (Nghị Định 86/2014) quy định về dịch vụ vận tải bằng xe ô tô. Nghị Định mới này đưa ra các quy định cập nhật để điều chỉnh các nền tảng đặt xe tại Việt Nam (hoặc ít nhất là phần của các nền tảng đó liên quan đến vận tải ô tô) đang ngày càng gia tăng về số lượng.
Trước đó, Công ty TNHH Grab (Grab VN) được Bộ Giao Thông Vận Tải cho phép hoạt động như một trung gian kết nối các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải ô tô và hành khách để cung cấp nền tảng đặt xe (cụ thể là GrabCar). Với Nghị Định 10/2020 mới, nếu Grab VN (và các chủ thể khác có hoạt động kinh doanh tương tự) trực tiếp điều hành phương tiện hoặc tài xế, hoặc quyết định giá vé vận chuyển, họ có thể sẽ được coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vì “kinh doanh vận tải bằng xe ô tô” được định nghĩa là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Theo Nghị Định 10/2020, tùy thuộc vào việc triển khai cụ thể của từng nền tảng, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng đặt xe ô tô (như Grab, Uber, Be) có thể được coi là một doanh nghiệp “kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi” hoặc “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định” hoặc “cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải”. Điều này là do:
· “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi” (Kinh Doanh Taxi) được định nghĩa là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả tài xế) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với khách hàng thông qua phương tiện điện tử;
· “Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định” (Kinh Doanh Theo Hợp Đồng) được định nghĩa là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản (dưới dạng giấy hoặc điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); và
· “Phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải” được định nghĩa là phần mềm ứng dụng cung cấp giao thức kết nối giữa đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe với hành khách hoặc người thuê vận tải - tất cả các hoạt động kết nối diễn ra trong môi trường số. Và chủ thể cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải được gián tiếp định nghĩa là chủ thể cung cấp ứng dụng đó nhưng không (i) trực tiếp quản lý các phương tiện hoặc tài xế, và (ii) quyết định giá cước vận chuyển. Vì nội dung này không liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh vận tải, chúng tôi sẽ không thảo luận thêm về phương án này.
Theo Nghị Định 10/2020, ngoài những điều kiện khác, chủ thể vận hành một nền tảng đặt xe dù là dưới hình thức Kinh Doanh Taxi hay Kinh Doanh Theo Hợp Đồng đều sẽ phải:
· Có giấy phép kinh doanh cấp bởi Sở Giao Thông Vận Tải cấp tỉnh; và
· Ký hợp đồng lao động với người lao động của mình bao gồm các tài xế. Ngoài ra, tài xế có thể ký hợp đồng lao động với một công ty vận tải khác thay vì chủ thể điều hành nền tảng đặt xe.
Ngoài ra, ô tô được sử dụng để vận chuyển hành khách trên các nền tảng đó phải lắp đặt:
· Camera ghi hình tài xế và cửa lên xuống xe (có hiệu lực từ tháng 7 năm 2021); và
· Thiết bị giám sát hành trình.
So với quy định hiện hành, những yêu cầu này có vẻ nghiêm ngặt hơn.
Các định nghĩa về Kinh Doanh Taxi và Kinh Doanh Theo Hợp Đồng khá rộng, và đều có thể dùng để miêu tả hoạt động của một nền tảng đặt xe. Tuy nhiên, điều kiện để tiến hành mỗi hoạt động kinh doanh nêu trên là khác nhau. Và Kinh Doanh Taxi có thể sẽ phù hợp với hoạt động hiện tại của GrabCar (và các nền tảng tương tự) hơn là Kinh Doanh Theo Hợp Đồng sử dụng hợp đồng điện tử. Điều này là vì, ngoài những thứ khác:
· Kinh Doanh Theo Hợp Đồng yêu cầu phải có danh sách (các) hành khách được đính kèm theo hợp đồng vận tải, và tài xế không được đón (các) hành khách không có trong danh sách (các) hành khách đó. Trên thực tế, một người dùng Grab có thể đặt một chuyến đi cho người khác (đi cùng hoặc không đi cùng với người dùng đó) và người dùng đó không có cách nào để đăng ký hành khách trong chuyến đi đó với Grab VN. Trong khi đó, Kinh Doanh Taxi không hạn chế như vậy; và
· Xe ô tô được sử dụng để Kinh Doanh Taxi (xe taxi) được ưu tiên khi vận chuyển hành khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại; được ưu tiên hoạt động khi tổ chức giao thông tại đô thị.
Bài viết được thực hiện bởi Lê Thanh Nhật và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.