Vietnam Business Law

View Original

Tiêu Chí Mới Của Thỏa Thuận Hạn Chế Cạnh Tranh Tại Việt Nam Theo Luật Cạnh Tranh 2018

Luật Cạnh Tranh 2018 định nghĩa một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là: (a) hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức, và (b) gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Theo Điều 3.3 của Luật Cạnh Tranh 2018, tác động hạn chế cạnh tranh là tác động loại trừ, làm giảm, sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường. Định nghĩa thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là một điều khoản mới của Luật Cạnh Tranh 2018 mà Luật Cạnh Tranh 2004 không quy định.

Luật Cạnh Tranh 2018 tiếp tục cung cấp một danh sách các thỏa thuận cụ thể có thể được coi là một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giống với Luật Cạnh Tranh 2004. Tuy nhiên, do có định nghĩa mới theo Luật Cạnh Tranh 2018, xét một cách hợp lý, một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hiện cần phải thỏa mãn hai yếu tố:

·         Yếu tố thứ nhất: Thỏa thuận đó phải tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường; và

·         Yếu tố thứ hai: Thỏa thuận đó phải thuộc danh sách các thỏa thuận bị cấm quy định theo Luật Cạnh Tranh 2018.

Điều này khác với Luật Cạnh Tranh 2004. Do Luật Cạnh Tranh 2004 không có định nghĩa về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, có thể cho rằng tất cả các thỏa thuận rơi vào các trường hợp được liệt kê trong Luật Cạnh Tranh 2004 (đặc biệt là các thỏa thuận hạn chế “mang tính nghiêm trọng”) sẽ tạo thành thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và vì vậy, sẽ bị cấm khi chúng thỏa mãn các điều kiện quy định.

Bài viết được thực hiện bởi Trần Thủy Tiên và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.