Vietnam Business Law

View Original

Nhập Khẩu LNG Cho Nhà Máy Điện LNG

1.         Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 87 của Chính phủ ngày 15 tháng 6 năm 2018 về kinh doanh khí (Nghị Định 87/2018), người nhập khẩu LNG cho mục đích kinh doanh tại Việt Nam phải được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG (Giấy Chứng Nhận Nhập Khẩu) trước khi thực họat động này.

2.         Các yêu cầu của Nghị Định 87/2018 có vẻ như được áp dụng cho các chủ thể nhập khẩu LNG cho mục đích kinh doanh tại Việt Nam, chứ không phải cho mục đích sử dụng của chính chủ thể đó, ví dụ như nhà máy điện LNG (Nhà Máy Điện LNG) nhập khẩu LNG để sản xuất điện. Tuy nhiên, nếu Nhà Máy Điện LNG nhập khẩu LNG cho mục đích sử dụng của chính mình, Nhà Máy Điện LNG vẫn nên nộp đơn xin cấp Giấy Chứng Nhận Nhập Khẩu bởi vì (i) hiện không có quy định nào hướng dẫn việc nhập khẩu LNG cho mục đích sử dụng riêng của người nhập khẩu mà không phải kinh doanh, và (ii) các điều kiện cấp Giấy Chứng Nhận Nhập Khẩu nêu trong Nghị Định 87/2018 chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo an toàn cho các hoạt động nhập khẩu LNG.

3.         Để được cấp Giấy Chứng Nhận Nhập Khẩu, Nhà Máy Điện LNG phải đáp ứng các điều kiện sau:

3.1.      là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam;

3.2.      có cầu cảng hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 05 năm cầu cảng thuộc hệ thống cảng Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng;

3.3.      có bồn chứa khí hoặc hợp đồng thuê bồn chứa khí đáp ứng các quy định về an toàn (ví dụ như bồn chứa khí phải được lắp đặt đầy đủ các thiết bị an toàn và đo kiểm, và van đóng ngắt khẩn cấp);

3.4.      đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy;

3.5.      có trạm cấp khí đáp ứng các điều kiện về an toàn (ví dụ như đảm bảo khoảng cách giữa bồn chứa khí và các vật liệu dễ cháy, áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho khu vực nhận khí, đảm bảo cho xe chữa cháy ra, vào…).

4.         Hồ sơ xin cấp Giấy Chứng Nhận Nhập Khẩu bao gồm:

4.1.      Giấy đề nghị cấp Giấy Chứng Nhận Nhập Khẩu theo mẫu đính kèm theo Nghị định 87/2018;

4.2.      Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

4.3.      Tài liệu chứng minh có cầu cảng hoặc hợp đồng thuê cầu cảng thuộc hệ thống cầu cảng Việt Nam được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng;

4.4.      Bản sao Giấy chứng nhận kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bồn chứa;

4.5.      Tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy; và

4.6.      Nếu Nhà Máy Điện LNG nhập khẩu LNG qua đường ống:

4.6.1.   Tài liệu chứng minh có đường ống vận chuyển khí hoặc hợp đồng thuê đường ống vận chuyển khí;

4.6.2.   Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định đường ống còn hiệu lực; và

4.6.3.   Tài liệu chứng minh có trạm cấp khí đáp ứng các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy.

5.         Khi nộp hồ sơ, Nhà Máy Điện LNG phải nộp phí thẩm định là VND1.000.000 cho Bộ Công Thương (Điều 43.4 Nghị Định 87/2018 và Điều 4.1(a) và (b) Thông Tư 168 của Bộ Tài Chính ngày 26 tháng 10 năm 2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện).

6.         Theo luật, Bộ Công Thương sẽ cấp Giấy Chứng Nhận Nhập Khẩu trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ Nhà Máy Điện LNG. Trên thực tế, thời hạn này có thể dài hơn.

7.         Thời hạn của Giấy Chứng Nhận Nhập Khẩu là 10 năm kể từ ngày cấp. Khi hết hạn, Nhà Máy Điện LNG phải nộp hồ sơ xin Giấy Chứng Nhận Nhập Khẩu mới, thay vì xin gia hạn Giấy Chứng Nhận Nhập Khẩu cũ vì luật không quy định thủ tục gia hạn Giấy Chứng Nhận Nhập Khẩu này.

Bài viết được thực hiện bởi Hà Thanh Phúc và do Hoàng Thị Thanh Thùy biên tập