HOÀN TRẢ GIÁ MUA NỢ CHO BÊN MUA NỢ NƯỚC NGOÀI
1. BỐI CẢNH
1.1. Một công ty Việt Nam (Bên Bán) xuất khẩu hàng hoá cho một công ty nước ngoài (Bên Mua) theo một hợp đồng mua bán hàng hóa (Hợp Đồng Mua Bán Hàng Hóa).
1.2 Bên Bán chuyển nhượng khoản phải thu trong Hợp Đồng Mua Bán Hàng Hóa (Khoản Phải Thu) cho một công ty nước ngoài khác (Bên Mua Nợ) (không phải là tổ chức tín dụng) thông qua một hợp đồng mua bán nợ (Hợp Đồng Mua Bán Nợ) với giá mua nợ bằng 90% giá trị Khoản Phải Thu (Giá Mua Nợ).
1.3 Theo Hợp Đồng Mua Bán Nợ,
1.3.1. Bên Mua Nợ sẽ ứng trước Giá Mua Nợ cho Bên Bán và sẽ nhận được Khoản Phải Thu từ Bên Mua khi đến hạn;
1.3.2. nếu Bên Mua không thanh toán Khoản Phải Thu cho Bên Mua Nợ khi đến hạn thì Bên Mua Nợ sẽ có quyền yêu cầu Bên Bán trả lại Giá Mua Nợ đã ứng trước cộng với tiền lãi; và
1.3.3. khoảng thời gian kể từ khi ứng trước Giá Mua Nợ cho đến khi hoàn trả Giá Mua Nợ là dưới một năm.
2. CÂU HỎI
Giá Mua Nợ ứng trước có được coi là khoản vay nước ngoài không?
2.1. Giá Mua Nợ mà Bên Mua Nợ đã ứng trước cho Bên Bán theo Hợp Đồng Mua Bán Nợ không được coi là khoản vay nước ngoài vì:
2.2. Theo Điều 3.1 Nghị định 219 của Chính phủ ngày 26 tháng 12 năm 2013 về Quản lý vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh (Nghị định 219/2013), khoản vay nước ngoài là việc Bên đi vay nhận một khoản tín dụng từ người không cư trú thông qua việc ký kết và thực hiện thỏa thuận vay nước ngoài dưới hình thức (i) hợp đồng vay; (ii) hợp đồng mua bán hàng hóa trả chậm; (iii) hợp đồng ủy thác cho vay; (iv) hợp đồng cho thuê tài chính; hoặc (v) phát hành công cụ nợ của Bên đi vay.
2.1.1. Hợp Đồng Mua Bán Nợ không thuộc bất kỳ hình thức vay nước ngoài nào nêu trên nên Giá Mua Nợ ứng trước không được coi là một khoản vay nước ngoài.
Bên Bán có thể chuyển Giá Mua Nợ cộng với tiền lãi vào tài khoản của Bên Mua Nợ ở nước ngoài theo quy định về ngoại hối không?
Bản chất của Hợp Đồng Mua Bán Nợ
2.1.2. Thỏa thuận giữa Bên Bán và Bên Mua Nợ theo Hợp Đồng Mua Bán Nợ có thể được xem là, ngoài các hình thức khác:
2.2.1. chuyển giao quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ của một bên có quyền đó theo Điều 365.1 Bộ Luật Dân Sự 2015 (xem phân tích thêm tại đây); hoặc
2.2.2. bao thanh toán theo quy định của Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2010.
Khả năng Bên Bán trả lại Giá Mua Nợ cho Bên Mua Nợ
2.3. Theo Điều 3.2 Thông tư 16/2014, tổ chức là người cư trú chỉ có thể thực hiện một số giao dịch thanh toán thông qua tài khoản ngoại tệ của mình, trong đó bao gồm (a) giao dịch vốn và (b) thanh toán và chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai.
2.4. Theo Pháp Lệnh Quản Lý Ngoại Hối 2005 (như được sửa đổi),
2.4.1. Các giao dịch vốn bao gồm (a) đầu tư trực tiếp; (b) vốn đầu tư gián tiếp; (c) vay và trả nợ nước ngoài; (iv) cho vay và thu hồi nợ nước ngoài; (v) và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật Việt Nam (Giao Dịch Vốn); và
2.4.2. Thanh toán và chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai bao gồm (a) thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; (b) thanh toán và chuyển tiền liên quan đến tín dụng thương mại và các khoản vay ngân hàng ngắn hạn; (c) thanh toán và chuyển tiền liên quan đến thu nhập từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp; (d) chuyển tiền khi được phép giảm vốn đầu tư trực tiếp; (e) thanh toán tiền lãi và nợ gốc của khoản vay nước ngoài; (vi) chuyển tiền một chiều; và (vii) các khoản thanh toán và chuyển tiền khác theo quy định của NHNN (Chuyển Tiền Cho Giao Dịch Vãng Lai).
2.5. Không có trường hợp cụ thể nào trong các Giao Dịch Vốn hoặc Chuyển Tiền Cho Giao Dịch Vãng Lai sẽ áp dụng trực tiếp cho việc hoàn trả Giá Mua Nợ. Trường hợp có thể liên quan nhất là “thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu hàng hóa/dịch vụ" hoặc "thanh toán và chuyển tiền liên quan đến tín dụng thương mại”. Tuy nhiên, bởi vì:
2.5.1. việc trả lại Giá Mua Nợ là nhằm mục đích thực hiện Hợp Đồng Mua Bán Nợ mà không phải Hợp Đồng Mua Bán Hàng Hóa nên việc trả lại Giá Mua Nợ khó có thể được coi là “thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu hàng hóa/dịch vụ”; và
2.5.2. mặc dù luật không quy định cụ thể, “tín dụng thương mại” thường được hiểu là tín dụng được cấp giữa các thương nhân (ví dụ, cho phép người mua trả chậm khi thanh toán hàng hóa cho người bán), việc hoàn trả Giá Mua Nợ sẽ không thuộc loại tín dụng thương mại này, ngân hàng có khả năng không cho phép Bên Bán chuyển Giá Mua Nợ cho Bên Mua Nợ theo Hợp Đồng Mua Bán Nợ thông qua tài khoản ngoại tệ của Bên Bán.
Bài viết được thực hiện bởi Trịnh Phương Thảo và biên tập bởi Hoàng Thị Thanh Thủy.