Vietnam Business Law

View Original

Các vấn đề pháp lý và sự thiếu hụt cơ chế chống bế tắc trong các tranh chấp cổ đông gần đây

Trong vụ tranh chấp cổ đông gây tranh cãi gần đây ở Việt Nam, Toà án phúc thẩm Thành phố Hồ Chí Minh (Toà Phúc Thẩm) cho rằng hai điều sau đây của điều lệ công ty mâu thuẫn với nhau và vì vậy áp dụng quy định của Luật Doanh Nghiệp 2014 để giải quyết tranh chấp:

·         Điều 10.1 của điều lệ công ty quy định thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó phản đối nghị quyết của Hội Đồng Thành Viên về một số vấn đề quan trọng của công ty; và

·         Điều 23.1 của điều lệ công ty yêu cầu sự nhất trí của tất cả các thành viên về một số vấn đề quan trọng của công ty.

Làm thế nào để xác định hai điều khoản của điều công ty được coi là mâu thuẫn với nhau?

1.         Ý kiến của Toà Phúc Thẩm khiến chúng tôi tự đặt ra câu hỏi rằng làm thế nào hoặc trong tình huống nào có thể xác định hai điều khoản của một điều lệ công ty hoặc một hợp đồng có thể bị coi là mâu thuẫn với nhau? Pháp luật Việt Nam không có quy tắc về xây dựng hợp đồng có thể trả lời câu hỏi này. Theo cách tiếp cận thông thường, nếu hai điều khoản chỉ ra những thoả thuận hoặc ý định không nhất quán của các bên về cùng một vấn đề, thì chúng có thể được coi là mâu thuẫn với nhau. Theo cách tiếp cận này, Điều 23.1 của điều lệ công ty (nhất trí của tất cả các thành viên về những vấn đề quan trọng) không mâu thuẫn với Điều 10.1 của điều lệ công ty (quyền của thành viên yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình). Các Điều Khoản này xử lý các vấn đề khác nhau trong hai tình huống khác nhau theo một trật thứ tự tuyến tính. Cụ thể:

1.1.         Chúng tôi hiểu rằng Điều 10.1 của điều lệ công ty tương tự như Điều 52.1 của Luật Doanh Nghiệp 2014 ( hoặc Điều 51.1 của Luật Doanh nghiệp 2020) theo đó thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó biểu quyết không tán thành quyết định của Hội Đồng Thành Viên về một số vấn đề nhất định (Nghị Quyết Đặc Biệt). Điều 52.1 của Luật Doanh Nghiệp 2014 (hoặc Điều 51.1 của Luật Doanh Nghiệp 2020) chỉ ra rằng quyền yêu cầu mua lại này có thể được kích hoạt nếu có một Nghị Quyết Đặc Biệt cần được thông qua hợp lệ và thành viên đó biểu quyết không tán thành đối với Nghị Quyết Đặc Biệt đó.

1.2.         Do Điều 23.1 của điều lệ công ty yêu cầu sự đồng thuận của tất cả các thành viên về một số vấn đề quan trọng, sẽ không có Nghị Quyết Đặc Biệt nào được thông qua hợp lệ nếu không đạt được sự đồng thuận tuyệt đối. Vì vậy, quyền yêu cầu mua lại quy định tại điều 10.1 của điều lệ công ty không được kích hoạt;

1.3.         Điều 23.1 của điều lệ công ty có thể làm cho tình huống được quy định tại Điều 10.1 của điều lệ công ty không bao giờ xảy ra vì không có Nghị Quyết Đặc Biệt nào được thông qua hợp lệ nếu không đạt được sự đồng thuận tuyệt đối. Tuy nhiên, miễn là Luật Doanh Nghiệp cho phép các thành viên đồng ý về một ngưỡng biểu quyết khác, tức là sự đồng thuận tuyệt đối trong trường hợp này, thì các Điều 10.1 và 23.1 của điều lệ công ty không được coi là mâu thuẫn với nhau.

Không có căn cứ để Toà Phúc Thẩm áp dụng ngưỡng biểu quyết 75%  

2.         Ngay cả khi điều lệ công ty có hai điều khoản mâu thuẫn thì cũng không có quy định của luật về tính ưu tiên áp dụng của các quy định trong Luật Doanh Nghiệp. Và ngay cả khi Luật Doanh Nghiệp được áp dụng, Điều 60.3 của Luật Doanh Nghiệp 2014 hoặc Điều 59.3 của Luật Doanh Nghiệp 2020 lần lượt quy định rằng “trường hợp điều lệ công ty không có quy định khác” hoặc “trường hợp điều lệ công ty không có quy định một tỷ lệ khác” thì tỷ lệ biểu quyết 65% hoặc 75% trên tổng vốn điều lệ sẽ được áp dụng để thông qua nghị quyết của Hội Đồng Thành Viên. Có vẻ như Toà Phúc Thẩm đã “quên” những câu chữ đó của Luật Doanh Nghiệp và đã ưu tiên chọn cách viện dẫn ngưỡng biểu quyết 75% để công nhận hiệu lực của Nghị Quyết đang tranh chấp khi không có bất kỳ sự đồng thuận tuyệt đối nào theo yêu cầu của Điều 23.1 của điều lệ công ty. Nếu áp dụng toàn bộ Điều 60.3 của Luật Doanh Nghiệp 2014 hoặc Điều 59.3 của Luật Doanh Nghiệp 2020 thì cũng phải tôn trọng yêu cầu đồng thuận tuyệt đối quy định tại Điều 23.1 của điều lệ công ty.

Bài học cần nhớ - quyền phủ quyết nên được gắn với cơ chế chống bế tắc

3.         Quyền phủ quyết của cổ đông thiểu số hoặc sự đồng thuận tuyệt đối về một vấn đề bảo lưu không phải là hiếm trong các liên doanh ở Việt Nam. Một tình huống bế tắc trong đó không thể đạt được sự đồng thuận tuyệt đối có khả năng phát sinh trong các thoả thuận biểu quyết này. Có một loạt các cơ chế hợp đồng có thể quy định trong điều lệ công ty hoặc thoả thuận của các cổ đông để cho phép các bên giải quyết các tình huống bế tắc hoặc tranh chấp cổ đông. Chúng tôi thấy rằng điều lệ công ty trong vụ việc tranh chấp cổ đông gần đây không quy định các điều khoản chống bế tắc để giải quyết tình trạng bế tắc. Một số bài học cho các nhà đầu tư cần nhớ từ vụ việc này là:

3.1.         Nếu có quy định về quyền phủ quyết hoặc đồng thuận tuyệt đối về một vấn đề bảo lưu, thì các nhà đầu tư phải quy định các điều khoản chống bế tắc trong điều lệ công ty và thoả thuận của các cổ đông để xác định và giải quyết các tình huống bế tắc. Việc thiếu các điều khoản chống bế tắc để xác định và giải quyết các tình huống bế tắc có thể dẫn đến tranh chấp và kết quả không lường trước được;

3.2.         Điều quan trọng là phải nhận định được tình huống bế tắc đã phát sinh khi nào và trong kịch bản nào. Các nhà đầu tư cần tránh các điều khoản dễ gây tranh cãi và đảm bảo rằng các tình huống không thể bị thao túng để tạo ra bế tắc. Thông thường sẽ có một giai đoạn hoặc điều khoản điều chỉnh linh hoạt để cứu vãn mối quan hệ và tiếp tục việc liên doanh bằng cách khuyến khích các bên đạt được thoả thuận. Ví dụ: điều khoản điều chỉnh linh hoạt có thể yêu cầu mỗi bên phải chỉ đạo những người quản lý cấp cao của mình thảo luận một cách thiện chí về vấn đề bất đồng và gửi một văn bản để giải thích cho bên kia quan diểm của mình về vấn đề bất đồng và lý do của việc áp dụng quan điểm đó. Điều này có thể hạn chế một bên lạm dụng sự bế tắc đồng thời cho phép các bên cơ hội và thời gian hòa hoãn để xem xét lại lập trường, thực tế và những lý lẽ hỗ trợ; và

3.3.         Cần có các điều khoản về việc giải thể để tạo điều kiện cho việc tách hoặc chấm dứt liên doanh một cách thân thiện. Thông thường, quyền chọn bán hoặc quyền chọn mua được coi là lối thoát cho các bên, theo đó cho phép người nắm giữ quyền chọn yêu cầu bên kia bán hoặc mua lại vốn góp của mình trong liên doanh. Một bên, đặc biệt là cổ đông thiểu số, có thể có nhiều lý do khác nhau để không đồng ý về một vấn đề được bảo lưu có thể cản trở sự phát triển kinh doanh của liên doanh. Tuy nhiên, khi dẫn đến các tình huống chấm dứt liên doanh, mỗi bên sẽ đưa ra quyết định một cách cẩn thận.

Bài viết được thực hiện bởi Hà Thị Dung.