Vietnam Business Law

View Original

Phát Triển Điện Gió Ngoài Khơi ở Việt Nam - Các Vấn Đề Pháp Lý liên quan đến việc Sử Dụng Khu Vực Biển

Việt Nam dường như có Tiềm Năng Lớn để phát triển điện gió ngoài khơi. Và gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc phát triển các nhà máy điện gió ngoài khơi lớn tại Việt Nam. Tiếc rằng, ngoại trừ các quy định về phát triển dầu khí ngoài khơi theo Luật Dầu Khí, Việt Nam chưa có các quy định đầy đủ để phát triển một dự án cơ sở hạ tầng lớn ngoài khơi như các nhà máy điện gió ngoài khơi. Điều này bắt đầu từ khung pháp lý chưa đầy đủ về việc sử dụng khu vực biển theo Luật Biển Việt Nam 2012 và Nghị Định 11/2021. Cụ thể,

  • Luật Biển Việt Nam 2012 và Nghị định 11/2021 cho phép một số khu vực biển nhất định được giao để khai thác và sử dụng “tài nguyên biển”. Trong khi thuật ngữ “tài nguyên biển” không rõ ràng, thuật ngữ này dường như bao gồm cả việc phát triển nhà máy điện gió ngoài khơi. Nghị Định 11/2021 yêu cầu đơn vị phát triển dự án nhà máy điện gió ngoài khơi phải trả từ 3.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm đối với khu vực biển được giao cho dự án. Tiền sử dụng khu vực biển được giao có thể là một số tiền đáng kể vì một nhà máy điện gió ngoài khơi có thể yêu cầu khu vực biển lớn không chỉ cho các tuabin gió và trạm biến áp nổi mà còn cả khu vực biển cho đường dây tải điện dưới biển và các khu vực/hành lang bảo vệ khác. Trong khi đó, khu vực biển được giao để phát triển dầu khí ngoài khơi được miễn nộp tiền sử dụng theo Nghị Định 11/2021.

  • Mặc dù được yêu cầu trả một số tiền đáng kể, nhưng đơn vị phát triển dự án được giao một khu vực biển dường như không có quyền sở hữu đối với khu vực biển được giao. Điều này khác với phát triển điện gió trên bờ, theo đó đơn vị phát triển dự án có quyền sở hữu đối với “quyền sử dụng đất” của khu đất liên quan. Nghị Định 11/2021 chỉ cho phép đơn vị phát triển dự án sử dụng khu vực biển được giao theo quyết định giao khu vực biển. Điều này là rất hạn chế vì nó phụ thuộc vào nội dung của quyết định giao khu vực biển mà có thể được sửa đổi hoặc hủy bỏ bởi các cơ quan có thẩm quyền.

  • Vì không có bất kỳ quyền tài sản nào trên khu vực biển được giao, đơn vị phát triển dự án có thể không thế chấp được khu vực biển (như một phần trong giao dịch bảo đảm) cho những tổ chức cho vay tài trợ dự án. Nghị Định 11/2021 nghiêm cấm đơn vị phát triển dự án đã được giao khu vực biển chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển đó.

  • Do đáy biển - một phần của khu vực biển có thể không được coi là đất đai theo Luật Đất Đai 2013, nên không rõ công trình xây dựng gắn liền với đáy biển có thể được coi là bất động sản theo Bộ Luật Dân Sự 2015 hay là công trình xây dựng theo Luật Xây Dựng 2014 hay không. Bộ Luật Dân Sự 2015 và Luật Xây Dựng 2014 đều định nghĩa bất động sản hay công trình xây dựng là vật gắn liền với “đất”.

Để giải quyết những quy định pháp lý chưa rõ ràng nêu trên và cho phép phát triển các nhà máy điện gió ngoài khơi, Quốc Hội có thể cần sửa đổi nhiều luật khác nhau để trao các quyền tài sản đối với khu vực biển được giao cho đơn vị phát triển dự án. Một cách để đạt được điều đó là coi khu vực biển được giao giống như đất được giao theo Luật Đất Đai 2013. Ngoài ra, khu vực biển được giao để phát triển điện gió ngoài khơi, một hoạt động không phát thải khí CO2, nên được hưởng các chính sách tốt hơn so với phát triển khai thác dầu khí ngoài khơi làm tăng phát thải khí CO2.

Bài viết được thực hiện bởi Nguyễn Quang Vũ.