Vietnam Business Law

View Original

Những Thay Đổi Lớn Trong Việc Phát Hành Riêng Lẻ Trái Phiếu Doanh Nghiệp Tại Việt Nam

Để đối phó với những  Vụ Bên Bối gần đây liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Chính phủ đã đưa ra một số thay đổi lớn đối với Nghị Định 153/2020 về chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Việt Nam. Cụ thể, Nghị Định 65/2022 sửa đổi Nghị Định 153/2020 được ban hành vào tháng 9/2022 và có hiệu lực ngay tại thời điểm ban hành. Chúng tôi bình luận dưới đây về những sự thay đổi lớn được  Nghị Định 65/2022 đưa ra áp dụng cho hầu hết việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước.

·         Sử dụng tiền thu được từ phát hành trái phiếu. Doanh nghiệp không được phép phát hành trái phiếu để tài trợ vốn lưu động hoặc tái cơ cấu vốn nội bộ. Việc phát hành trái phiếu để tái cấp vốn cho các khoản nợ hiện có vẫn được cho phép. Tổ chức phát hành trái phiếu phải báo cáo cách thức sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu mỗi sáu tháng một lần. Và báo cáo này phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Khi phát hành trái phiếu mới, tổ chức phát hành trái phiếu cũng phải công bố cách thức sử dụng tiền thu được từ đợt phát hành trước đó trong các tài liệu phát hành hoặc kế hoạch phát hành trái phiếu.

·         Quyền biểu quyết của nhà đầu tư mua trái phiếu. Nghị Định 65/2022 cho phép nhà đầu tư mua trái phiếu nắm giữ từ 65% số trái phiếu đang lưu hành trở lên có quyền (1) chấp thuận các thay đổi đối với các điều khoản và điều kiện của trái phiếu; (2) phê duyệt phương án xử lý của tổ chức phát hành nếu tổ chức phát hành vi phạm phương án phát hành trái phiếu hoặc quy định của pháp luật; và (3) thay đổi người đại diện của chủ sở hữu trái phiếu. Nghị Định 65/2022 yêu cầu ngưỡng biểu quyết tối thiểu của đại hội chủ sở hữu trái phiếu là 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành.

·         Mệnh giá trái phiếu được điều chỉnh tăng từ 100.000 đồng lên 100 triệu đồng.

·         Bắt buộc mua lại trái phiếu. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải mua lại trái phiếu nếu (1) vi phạm các quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu mà không thể khắc phục được hoặc (2) vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà không thể khắc phục được.   

·         Trái phiếu có bảo đảm. Nghị Định 65/2022 hiện làm rõ rằng chỉ các tổ chức tín dụng trong nước hoặc các tổ chức tài chính nước ngoài mới có thể bảo lãnh cho trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại Việt Nam. Trường hợp trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm thì hồ sơ phát hành phải bao gồm các tài liệu liên quan đến tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm, định giá tài sản bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm với cơ quan đăng ký có liên quan.

·         Yêu cầu cao hơn đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Để đủ điều kiện là nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể mua và nắm giữ trái phiếu phát hành riêng lẻ, một cá nhân phải có danh mục đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 tỷ đồng Việt Nam (khoảng 45.000 USD) trong ít nhất sáu tháng. Chứng nhận này chỉ có giá trị trong ba tháng. Trước Nghị Định 65/2022, không có thời hạn nắm giữ tối thiểu và chứng nhận có giá trị trong 12 tháng. Nhà đầu tư trái phiếu phải ký xác nhận rằng họ chấp nhận những rủi ro liên quan đến trái phiếu.

·         Đại diện của người sở hữu trái phiếu. Trường hợp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân thì tổ chức phát hành phải ký hợp đồng với đại diện người sở hữu trái phiếu là thành viên lưu ký của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) hoặc công ty quản lý quỹ. Đại diện người sở hữu trái phiếu phải giám sát hoạt động của tổ chức phát hành trái phiếu và phải báo cáo với cơ quan chức năng nếu có bất kỳ vi phạm nào của tổ chức phát hành trái phiếu.

 

·         Phát hành trái phiếu. Thời gian để doanh nghiệp hoàn thành việc phân phối trái phiếu phát hành riêng lẻ giảm từ 90 ngày xuống còn 30 ngày. Đối với trái phiếu phát hành nhiều đợt, tổng thời gian phát hành của tất cả các đợt giảm từ 12 tháng xuống còn 6 tháng.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải ký hợp đồng với đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu là công ty chứng khoán trong mọi trường hợp. Trước Nghị Định 65/2022, tổ chức phát hành trái phiếu là công ty chứng khoán được miễn việc thuê đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu.
Tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ phải được đơn vị xếp hạng tín nhiệm  xếp hạng tín nhiệm (1) nếu tổng mệnh giá trái phiếu đã phát hành của tổ chức phát hành đó trong mỗi khoảng thời gian 12 tháng trước ngày phát hành lớn hơn 500 tỷ đồng và 50% vốn chủ sở hữu được ghi nhận trên báo cáo tài chính mới nhất; hoặc (2) tổng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành của tổ chức phát hành đó tại thời điểm đăng ký phát hành lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính gần nhất. Trước Nghị Định 65/2022, yêu cầu này chỉ áp dụng cho việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.

Nghị Định 65/2022 giờ đây yêu cầu đại lý phát hành trái phiếu (hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành) xác nhận rằng tổ chức phát hành trái phiếu đã nhận được tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu vào tài khoản của mình.

·         Thêm các nghĩa vụ pháp lý cho các đơn vị cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu.

Nghị Định 65/2022 quy định một loạt các nghĩa vụ pháp lý đối với các doanh nghiệp có liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đại lý phát hành trái phiếu phải đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho nhà đầu tư trái phiếu và không được cung cấp thông tin sai không chính xác và gây hiểu nhầm về trái phiếu cho nhà đầu tư. Đại lý phát hành trái phiếu phải phân phối trái phiếu cho các nhà đầu tư được tổ chức phát hành trái phiếu hoặc công ty chứng khoán được ủy quyền xác nhận là nhà đầu tư đủ điều kiện. Đại lý phát hành trái phiếu không được chào bán hoặc hỗ trợ các nhà đầu tư không đủ năng lực đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá và bất kỳ người nào cung cấp chứng nhận cho hồ sơ phát hành trái phiếu sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý trong phạm vi chứng nhận của các đối tượng này. Yêu cầu này tương tự như yêu cầu áp dụng đối với việc chào bán chứng khoán ra công chúng.Các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến việc phát hành trái phiếu không được là người có liên quan của tổ chức phát hành trái phiếu.

Nghị Định 65/2022 đề cập rõ ràng đến trách nhiệm hình sự trong trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về chào bán trái phiếu.

·         Đăng ký trái phiếu. Nghị Định 65/2022 giờ đây quy định yêu cầu tất cả trái phiếu phát hành riêng lẻ phải được đăng ký với VSD. Trước Nghị Định 65/2022, trái phiếu phát hành riêng lẻ có thể được đăng ký với thành viên lưu ký của VSD.

·         Giao dịch trái phiếu. Nghị Định 65/2022 yêu cầu trái phiếu phát hành riêng lẻ phải được giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu do sở giao dịch chứng khoán quản lý. Hệ thống giao dịch trái phiếu sẽ cần được thiết lập trong vòng 9 tháng sau khi Nghị Định 65/2022 được ban hành. Trong khi chờ thiết lập hệ thống giao dịch trái phiếu, trái phiếu phát hành riêng lẻ có thể tiếp tục được giao dịch theo Nghị Định 153/2020.

·         Tổ chức phát hành trái phiếu phải công bố thêm thông tin. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu hiện phải công bố (1) tình trạng pháp lý và các yếu tố rủi ro của các dự án đầu tư sử dụng tiền thu được từ phát hành trái phiếu có liên quan, (2) tình trạng pháp lý và định giá tài sản đảm bảo, (3) chi tiết vốn chủ sở hữu, (4) chi tiết các khoản nợ (tức là các khoản vay ngân hàng, dư nợ trái phiếu và các khoản vay khác), (5) hệ số nợ / tổng tài sản, (6) hệ số thanh toán ngắn hạn, (7) tình hình sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu, (8) các vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu trong ba năm qua, (9) hủy bỏ đợt phát hành trái phiếu, (10) báo cáo tình hình thực hiện cam kết của doanh nghiệp đối với người sở hữu trái phiếu, (11) thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu đã phát hành, (12) thay đổi đại diện người sở hữu trái phiếu, (13) thực hiện mua lại trái phiếu bắt buộc, và (14) phạt vi hành chính do vi phạm các quy định về chứng khoán hoặc vi phạm pháp luật.

·         Cơ quan có thẩm quyền phải công bố thêm thông tin. Nghị Định 65/2022 yêu cầu cổng thông tin trái phiếu do sở giao dịch chứng khoán quản lý phải công bố thêm thông tin về trái phiếu phát hành riêng lẻ. Việc công bố bổ sung bao gồm (1) một số chỉ tiêu tài chính nhất định của tổ chức phát hành trái phiếu, (2) đối tượng được chào bán trái phiếu, (3) báo cáo về việc hoàn trả trái phiếu, (4) báo cáo xếp hạng tín nhiệm và (5) thông tin liên quan đến các khoản nợ không trả và vi phạm của tổ chức phát hành trái phiếu.

Bài viết này được thực hiện bởi Nguyễn Quang Vũ