Tuabin gió trên biển là động sản hay bất động sản theo pháp luật Việt Nam?
1) Giới thiệu
Các tuabin gió của một dự án điện gió trên biển (Dự Án Điện Gió Trên Biển) bao gồm hai loại chính: móng cố định và móng nổi. Cả hai loại này được cố định với đáy biển tương ứng bằng móng hoặc bằng neo. Pháp luật Việt Nam không có quy định hoàn toàn rõ ràng rằng liệu các tuabin gió của Dự Án Điện Gió Trên Biển nên được coi là bất động sản hay động sản. Điều này là vì không rõ liệu đáy biển nơi các tuabin gió trên biển được gắn vào có thể được coi là “đất đai” theo pháp luật Việt Nam hay không.
Việc phân loại tuabin gió trên biển là động sản hay bất động sản có thể có tác động pháp lý đáng kể đến một Dự Án Điện Gió Trên Biển. Ví dụ,
bất động sản gắn liền với đất đai chỉ có thể được thế chấp cho tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam (mà không được thế chấp cho các bên cho vay nước ngoài); và
một số hợp đồng liên quan đến bất động sản gắn liền với đất đai (ví dụ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu, hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng thế chấp) phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam là pháp luật của nước nơi có bất động sản.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ thảo luận chi tiết về việc liệu một tuabin gió trên biển được coi là động sản hay bất động sản. Bài viết được thực hiện bởi Trần Đức Long, Lê Thanh Nhật và Nguyễn Quang Vũ.
2) Khả năng để coi các tuabin gió trên biển là bất động sản
Theo Bộ Luật Dân Sự 2015, bất động sản bao gồm đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; và tài sản khác theo quy định của pháp luật. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
Vì vậy, trong trường hợp của Dự Án Điện Gió Trên Biển, tuabin gió sẽ được phân loại là bất động sản nếu: (1) tuabin gió là công trình xây dựng gắn liền với đất đai; (2) tuabin gió được gắn liền với đất đai; (3) tuabin gió được gắn liền với công trình xây dựng (nói cách khác, phần móng hoặc bệ nổi là một công trình xây dựng); hoặc (4) tuabin gió được pháp luật quy định là bất động sản. Trường hợp (4) sẽ không được bàn luận thêm bởi không có luật nào quy định cụ thể rằng tuabin gió trên biển là bất động sản.
Có một số quy định pháp luật gợi ý rằng các tuabin gió trên biển là bất động sản.
Công trình xây dựng được định nghĩa là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng và thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, bao gồm các phần trên và dưới mặt đất hoặc mặt nước. Theo hướng dẫn của Bộ Xây Dựng, tất cả các công trình điện gió, bao gồm cả Dự Án Điện Gió Trên Biển, đều được coi là công trình xây dựng. Hơn nữa, các giàn khai thác dầu khí trên biển (có kết cấu tương tự như kết cấu của tuabin gió trên biển) được coi là công trình xây dựng theo Thông Tư 6/2021. Theo đó, pháp luật về xây dựng có quan điểm rằng việc cố định với đáy biển được xem là “liên kết định vị với đất”; và
Đáy biển có thể được coi là đất do có sự tương đồng trong các đặc điểm tự nhiên của chúng. Bên cạnh đó, Luật Đất Đai 2013 cũng đã quy định “đất có mặt nước” là một loại đất đai bao gồm đất ven biển, đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và đất có mặt nước chuyên dùng.
3) Khả năng để coi các tuabin gió trên biển là động sản
Mặc dù đáy biển có các đặc điểm tự nhiên tương tự như đất liền, về mặt pháp lý, việc coi đáy biển như đất đai sẽ dẫn đến một số vấn đề. Như vậy, đáy biển nơi gắn các tuabin gió trên biển có thể không được coi là đất đai theo luật. Theo đó, các tuabin gió trên biển có thể không được phân loại là bất động sản mà được coi là động sản. Cụ thể,
Chế độ pháp lý áp dụng cho đất đai khác và tách biệt với chế độ pháp lý áp dụng cho đáy biển. Một ví dụ cụ thể là việc cấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo Luật Đất Đai 2013, trong khi việc giao khu vực biển (bao gồm cả đáy biển) được thực hiện theo Luật Biển Việt Nam 2012. Theo đó, ngay cả khi tuabin gió và kết cấu của tuabin gió được coi là “liên kết định vị với đất” theo Luật Xây Dựng 2014, thì chúng vẫn không được coi là “gắn liền với đất” theo Bộ Luật Dân Sự 2015.
Nhìn chung, đáy biển của Dự Án Điện Gió Trên Biển nằm ở vùng biển nào thì sẽ mang quy chế pháp lý của vùng biển đó. Ví dụ, đối với Dự Án Điện Gió Trên Biển được phát triển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), có khả năng Việt Nam không được phép coi đáy biển trong EEZ là “đất đai” theo Luật Đất Đai 2013. Điều này là bởi theo Hiến Pháp 2013, đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà Nước là đại diện chủ sở hữu. Trong khi đó, Việt Nam không phải là chủ sở hữu của đáy biển trong EEZ và chỉ được đặc quyền sử dụng đáy biển trong EEZ vào các mục đích phát triển kinh tế. Việt Nam chỉ có chủ quyền (giống như chủ quyền đối với đất liền) đối với đáy biển nằm trong nội thủy và lãnh hải của Việt Nam. Ở các quốc gia khác (ví dụ: Scotland), chỉ có đáy biển nằm trong lãnh hải mới được coi là đất đai.