Vietnam Business Law

View Original

Quy định mới về bảo lãnh ngân hàng tại Việt Nam

Tải về bản pdf tại đây

Ngày 30 tháng 9 năm 2022, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông Tư 11 quy định về bảo lãnh ngân hàng (Thông Tư 11/2022). Thông Tư 11/2022 sẽ thay thế Thông Tư 7/2015 của NHNN ngày 25 tháng 6 năm 2015 (đã được sửa đổi) từ ngày 1 tháng 4 năm 2023. Bài viết này sẽ thảo luận một số điểm đáng chú ý của Thông Tư 11/2022.

1.         Khái niệm bảo lãnh đối ứng không chắc chắn

Như đã thảo luận tại đây, bảo lãnh đối ứng theo quy định tại Thông Tư 7/2015 có thể không được coi là một bảo lãnh theo Bộ Luật Dân Sự 2015 và có thể dẫn đến việc hiệu lực và khả năng thực thi của bảo lãnh đối ứng theo Bộ Luật Dân Sự 2015 là không chắc chắn. Sự không rõ ràng này vẫn tồn tại trong Thông Tư 11/2022 vì khái niệm bảo lãnh đối ứng được giữ nguyên tại Thông Tư 11/2022.

2.         Cải thiện về quy trình thanh toán đối ứng bảo lãnh

2.1.      Điều 21.2 của Thông Tư 7/2015 về quy trình thanh toán bảo lãnh đối ứng cho thấy rằng khi nhận được yêu cầu từ người thụ hưởng, bên bảo lãnh phải thanh toán cho người thụ hưởng trước và sau đó mới yêu cầu hoàn trả từ bên bảo lãnh đối ứng.

2.2.      Trên thực tế, các ngân hàng ở Việt Nam thường không tuân theo quy trình này. Thay vào đó, khi nhận được yêu cầu từ người thụ hưởng theo bảo lãnh, bên bảo lãnh sẽ gửi yêu cầu bồi thường theo bảo lãnh đối ứng yêu cầu bên bảo lãnh đối ứng thanh toán và sau đó sử dụng khoản thanh toán đó để trả cho người thụ hưởng.

2.3.      Để khắc phục sự khác biệt trên, các quy định liên quan về quy trình bảo lãnh đối ứng tại Thông Tư 7/2015 đã được cải thiện và Thông Tư 11/2022 đã chính thức công nhận quy trình như thảo luận tại 2.2.

3.         Phát hành bảo lãnh ngân hàng qua phương tiện điện tử

3.1.      Điều 9 Thông Tư 11/2022 cho phép một cách rõ ràng tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Chi Nhánh NHNN) phát hành bảo lãnh thông qua phương tiện điện tử.

3.2.      Trường hợp các TCTD tiến hành nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khác hàng (KYC) thông qua phương tiện điện tử, thì mức bảo lãnh tối đa là 4 tỷ VND đối với khách hàng cá nhân, và 45 tỷ VND đối với khách hàng là tổ chức, trừ một số trường hợp cụ thể.

4.         Trường hợp bảo lãnh ngân hàng bị cấm

4.1.      Thông Tư 11/2022 mở rộng các trường hợp mà việc cấp bảo lãnh ngân hàng bị cấm. Cụ thể là, tương tự như Thông Tư 7/2015, Thông Tư 11/2022 không cho phép TCTD, Chi Nhánh NHNN phát hành bảo lãnh ngân hàng để bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành nếu mục đích phát hành trái phiếu là để tái cơ cấu các khoản nợ. Ngoài ra, nếu mục đích phát hành trái phiếu là để góp vốn hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp khác, tăng vốn lưu động, thì phát hành bảo lãnh ngân hàng cũng bị cấm.

4.2.      Thông tư 11/2022 không còn cấm tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh ngân hàng cho bên phát hành trái phiếu là công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng khác.

5.         Linh hoạt hơn trong việc cấp bảo lãnh cho khách hàng không cư trú

5.1.      Theo Thông Tư 7/2015, một TCTD hoặc Chi Nhánh NHNN chỉ được cấp bảo lãnh cho khách hàng tổ chức là người không cư trú nếu khách hàng đã ký quỹ toàn bộ số tiền bảo lãnh tại TCTD hoặc Chi Nhánh NHNN có liên quan. Điều 12.1(b) của Thông Tư 11/2022 hiện cho phép các TCTD và Chi Nhánh NHNN cấp bảo lãnh cho những khách hàng này nếu những khách hàng đó cũng có thể cung cấp bảo đảm cho toàn bộ số tiền bảo lãnh bằng cách sử dụng tiền gửi của họ hoặc chứng chỉ tiền gửi được mở tại chính TCTD hoặc Chi Nhánh NHNN.

6.         Thông báo công khai khi chấm dứt trước hạn hợp đồng bảo lãnh ngân hàng liên quan đến dự án nhà ở hình thành trong tương lai

6.1.      Điều 13.9 của Thông Tư 11/2022 yêu cầu nếu ngân hàng và chủ đầu tư đồng ý chấm dứt sớm hợp đồng bảo lãnh ngân hàng, thì chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo, ngân hàng phải thông báo việc chấm dứt trên trang web của mình và gửi văn bản thông báo đến cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có dự án nhà ở của chủ đầu tư. Thông báo đó phải chỉ rõ rằng ngân hàng thương mại không tiếp tục phát hành thư bảo lãnh cho bên mua sau thời điểm ngân hàng thương mại chấm dứt hợp đồng bảo lãnh. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn tiếp tục chịu trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ bảo lãnh của mình đối với bên mua theo các bảo lãnh ngân hàng phát hành trước đó.

7.         Luật điều chỉnh mặc định

7.1.      Điều 15.2 và 16.1 của Thông Tư 11/2022 quy định rằng việc luật điều chỉnh mặc định của hợp đồng phát hành bảo lãnh và cam kết bảo lãnh là luật Việt Nam nếu các văn bản này không quy định về luật điều chỉnh. Thông Tư 7/2015 không bao gồm một điều khoản tương tự.

8.         Ngôn ngữ sử dụng trong các tài liệu về bảo lãnh

8.1.      Cả Thông Tư 11/2022 và Thông Tư 7/2015 đều cho phép các tài liệu về bảo lãnh được được phát hành bằng tiếng nước ngoài. Trong khi Thông Tư 7/2015 quy định chung chung rằng tiếng nước ngoài sẽ được sử dụng trong trường hợp bảo lãnh có yếu tố nước ngoài, Thông Tư 11/2022 liệt kê các trường hợp mà việc sử dụng tiếng nước ngoài được phép như dưới đây:

8.1.1.   Giao dịch bảo lãnh thuộc các trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Bộ Luật Dân Sự;

8.1.2.   Nghĩa vụ được bảo lãnh phát sinh khi thực hiện các dự án được tài trợ vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Danh sách tổ chức tài chính quốc tế được quy định tại quy định của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD và Chi Nhánh NHNN; và

8.1.3.   Nghĩa vụ được bảo lãnh phát sinh khi tham gia gói thầu quốc tế.

Bài viết này được thực hiện bởi Nguyễn Thu Giang và biên soạn bởi Hoàng Thị Thanh Thùy.