Vietnam Business Law

View Original

Góp ý về Dự thảo Luật Viễn Thông

Vui lòng bấm vào Đây để tải bản pdf của bản góp ý

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Viễn Thông mà chúng tôi mới được cung cấp gần đây. Các ý kiến đóng góp ý được soạn thảo bới Nguyễn Quang Vũ và Trịnh Phương Thảo.

1.         Dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây nên được loại bỏ khỏi Luật Viễn Thông

Dự thảo Luật Viễn Thông:

·         coi các dịch vụ trung tâm dữ liệu  và dịch vụ điện toán đám mây  là các dịch vụ viễn thông; 

·         yêu cầu tổ chức cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây trong nước phải có giấy phép viễn thông;  và

·         yêu cầu tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây qua biên giới phải ký thỏa thuận với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Nếu quy định như dự thảo hiện tại được thông qua, thì ngay khi Luật Viễn Thông sửa đổi có hiệu lực:

·         tất cả các tổ chức cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ trong nước  sẽ cần phải có giấy phép viễn thông;

·         tất cả các tổ chức cung cấp phần mềm trong nước thực hiện cung cấp phần mềm qua internet (ví dụ: Google App Store hoặc Apple App Store) sẽ cần phải có giấy phép viễn thông;

·         tất cả các ứng dụng hoặc phần mềm thương mại điện tử trong nước hoạt động theo mô hình máy khách-máy chủ sẽ cần phải có giấy phép viễn thông; và

·         tất cả các tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ về phần mềm, phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS), cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ (IaaS) và nền tảng dưới dạng dịch vụ (PaaS) hoặc các dịch vụ thương mại điện tử qua biên giới sẽ phải ký thỏa thuận thương mại với một doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Đề xuất của chúng tôi

Chúng tôi đề xuất nên loại bỏ tất cả các dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây ra khỏi phạm vi áp dụng của Luật Viễn Thông. Theo đó, tất cả các yêu cầu cấp giấy phép được đề xuất như trong dự thảo Luật Viễn Thông cũng nên được loại bỏ. Điều này là do:

·         Dịch vụ trung tâm dữ liệu/dịch vụ điện toán đám mây không phải là dịch vụ viễn thông. Cụ thể, dưới góc độ kỹ thuật, dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây là dịch vụ CNTT/phần mềm hoặc dịch vụ liên quan đến máy tính, được cung cấp cho người dùng thông qua mạng viễn thông (chủ yếu là internet). Việc các dịch vụ này được cung cấp cho người dùng qua internet hoặc mạng viễn thông không nên khiến các dịch vụ này bị coi là dịch vụ viễn thông. Ban Thư Ký WTO cũng có cách giải thích tương tự khi cho rằng viễn thông có thể được sử dụng như một “phương thức cung cấp” cho nhiều dịch vụ khác và các nhà cung cấp dịch vụ đó như dịch vụ máy tính mà không sở hữu hoặc vận hành mạng của riêng mình thì chỉ là “người sử dụng” mạng và dịch vụ viễn thông, không phải là “nhà cung cấp” (b)  Theo Cam Kết WTO của Việt Nam,  Việt Nam đã đồng ý rằng “Máy tính và các dịch vụ liên quan” (CPC 84) bao gồm các chức năng chính của dịch vụ điện toán đám mây (ví dụ: xử lý dữ liệu, lưu trữ dữ liệu, lưu trữ máy chủ và dịch vụ cơ sở dữ liệu).  Vì vậy, việc đưa dịch vụ điện toán đám mây thành dịch vụ viễn thông là không phù hợp với cam kết của Việt Nam với WTO.

·         Hiện đã có luật điều chỉnh dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu. Luật Công Nghệ Thông Tin 2006  đã quy định về hoạt động đầu tư và kinh doanh đối với các dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu. Luật An Ninh Mạng 2018 đã quy định về an toàn và bảo mật đối với các dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu. Theo đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn Thông bao gồm cả dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trung tâm dữ liệu sẽ dẫn đến các quy định chồng chéo và dư thừa. Nếu Quốc Hội xem xét thấy các quy định bổ sung là cần thiết thì chúng tôi đề nghị sửa đổi Luật Công Nghệ Thông Tin hoặc Luật An Ninh Mạng.

·         Việc áp đặt các điều kiện mới và yêu cầu giấy phép mới là chưa phù hợp với Nghị Quyết của Bộ Chính Trị về cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ 4. Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đã ban hành Nghị Quyết 52-NQ/TW quy định một số chính sách tạo thuận lợi cho cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ 4.  Cụ thể, Bộ Chính Trị đã quyết định khung pháp lý phải được điều chỉnh để tạo “điều kiện thuận lợi” cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng. Điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu là hai trong những yếu tố then chốt cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng. Rõ ràng là việc yêu cầu từng tổ chức cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu phải có thêm giấy phép và tuân thủ các nghĩa vụ bổ sung không phải là điều kiện thuận lợi theo yêu cầu tại nghị quyết của Bộ Chính Trị.

·         Việc yêu cầu tổ chức cung cấp dịch vụ nước ngoài ký hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam là không phù hợp với Cam Kết WTO của Việt Nam về dịch vụ viễn thông (xem 2). 

2.         Các điều kiện tiếp cận thị trường áp dụng cho hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới không phù hợp với Cam Kết WTO của Việt Nam và Hiệp Định CPTPP và nên được sửa đổi.

Quan điểm theo dự thảo Luật Viễn Thông

Ngoại trừ một số trường hợp nhất định, việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới (bao gồm cả dịch vụ điện toán đám mây hoặc dịch vụ trung tâm dữ liệu (xem 1)) phải được thực hiện thông qua các thỏa thuận thương mại ký kết với các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam.

Việc cung cấp:

·         dịch vụ điện toán đám mây hoặc dịch vụ trung tâm dữ liệu qua biên giới; hoặc

·         “dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet” qua biên giới trong một số trường hợp nhất định,

trong từng trường hợp như vậy phải được thực hiện thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Đề nghị của chúng tôi

Các yêu cầu ký kết thỏa thuận thương mại với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam để cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới nên được giới hạn áp dụng trong phạm vi dịch vụ hữu tuyến và di động mặt đất và dịch vụ viễn thông vệ tinh. Điều này là do:

·         Trong Cam Kết WTO của Việt Nam, Việt Nam cam kết không áp đặt các điều kiện tiếp cận thị trường đối với việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới, bao gồm cả dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, ngoại trừ dịch vụ hữu tuyến và di động mặt đất và dịch vụ viễn thông vệ tinh; và

·         Trong CPTPP, Việt Nam cam kết cho phép cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới ngoại trừ việc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài không được phép cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh trừ khi dịch vụ được cung cấp thông qua thỏa thuận thương mại với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh quốc tế Việt Nam được cấp phép hợp pháp tại Việt Nam.

Các yêu cầu thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới nên được loại bỏ. Điều này là do trong CPTPP, Việt Nam cam kết không yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ của Bên khác phải thành lập hoặc duy trì văn phòng đại diện hoặc bất kỳ hình thức doanh nghiệp nào, hoặc phải sinh sống, trên lãnh thổ của Việt Nam như một điều kiện để cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Ngoại lệ đối với yêu cầu này được giới hạn chỉ đối với các biện pháp không tương thích của Việt Nam theo Phụ lục I và II của CPTPP bao gồm, trong số các biện pháp khác, "quyền áp dụng hoặc duy trì bất kỳ biện pháp nào liên quan đến đầu tư, xây dựng, vận hành và khai thác các mạng và dịch vụ viễn thông phục vụ các tộc người thiểu số ở vùng nông thôn và hẻo lánh ở Việt Nam”.

3.         Thẩm quyền của cơ quan nhà nước yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hoặc dịch vụ trung tâm dữ liệu ngừng cung cấp dịch vụ hoặc quyền truy cập dữ liệu của khách hàng phải tuân theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015

Quan điểm theo dự thảo Luật Viễn Thông

Dự thảo Luật Viễn Thông yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trung tâm dữ liệu phải ngừng cung cấp dịch vụ hoặc quyền truy cập dữ liệu liên quan cho khách hàng của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Đề nghị của chúng tôi

Dữ liệu và thông tin của một doanh nghiệp hay một cá nhân rất cần thiết cho hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp và cá nhân đó. Nếu một doanh nghiệp bị ngăn cản không được truy cập vào dữ liệu của mình (ví dụ: ngân hàng bị mất quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng của mình), thì doanh nghiệp đó sẽ chịu tổn thất và thiệt hại đáng kể. Khi một cơ quan Chính Phủ quyết định chấm dứt quyền truy cập của một công ty vào dữ liệu của mình và thông tin do nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hoặc nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu nắm giữ, thì cơ quan đó phải tuân theo thủ tục hợp pháp, mà thủ tục đó có thể tương tự như thủ tục áp dụng bất kỳ biện pháp cưỡng chế nào của cơ quan có thẩm quyền theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015.  Ví dụ, để áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản thì cơ quan chức năng phải thực hiện các thủ tục sau:

·         cơ quan có thẩm quyền xác định căn cứ cụ thể để áp dụng biện pháp này (ví dụ: số tiền trong tài khoản đó có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội);

·         cơ quan có thẩm quyền ra lệnh phong tỏa tài khoản và thông báo cho Viện Kiểm Sát Nhân Dân cùng cấp trước khi thực hiện phong tỏa;

·         cơ quan có thẩm quyền giao lệnh phong tỏa tài khoản cho tổ chức tín dụng hoặc Kho Bạc Nhà Nước đang quản lý tài khoản liên quan và việc giao, nhận lệnh phong tỏa tài khoản này phải được lập thành biên bản; và

·         việc thực hiện lệnh phong tỏa tài khoản của tổ chức tín dụng, Kho Bạc Nhà Nước cũng phải được lập thành đủ số lượng biên bản, trong đó có một bản giao cho người bị buộc tội và người khác có liên quan đến người bị buộc tội.