Giấy Phép Môi Trường Theo Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 Tại Việt Nam
Giấy Phép Môi Trường là một khái niệm mới theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Về bản chất, Giấy Phép Môi Trường đã hợp nhất hầu hết các giấy phép và cấp phép môi trường theo luật bảo vệ môi trường trước đây thành một văn bản duy nhất, giúp các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp giám sát và ghi lại tất cả các khía cạnh môi trường của một dự án đầu tư.
Dự án phải xin Giấy Phép Môi Trường
Ngoại trừ một số dự án đầu tư công khẩn cấp, tất cả các dự án đầu tư có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường, và có phát sinh nước thải, bụi và khí thải hoặc chất thải nguy hại phải được xử lý hoặc quản lý đều phải có Giấy phép Môi trường (Dự Án Phải Có Giấy Phép).
Thời điểm
Các Dự Án Phải Có Giấy Phép chưa đi vào vận hành thương mại trước ngày 1 tháng 1 năm 2022, và đã có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt thì phải xin cấp Giấy Phép Môi Trường trước khi đưa vào vận hành các công trình bảo vệ môi trường của Dự Án Phải Có Giấy Phép.
Các Dự Án Phải Có Giấy Phép chưa đi vào vận hành thương mại trước ngày 1 tháng 1 năm 2022, và chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt thì phải xin cấp Giấy Phép Môi Trường trước khi được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản (đối với dự án khai thác khoáng sản), Phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ (đối với án thăm dò, khai thác dầu khí), Phê duyệt/ Kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (đối với dự án PPP hoặc dự án xây dựng), và Quyết định đầu tư đối với các dự án khác.
Nội dung của Giấy Phép Môi Trường
Giấy Phép Môi Trường sẽ bao gồm các thông tin sau:
· Thông tin chung về Dự Án Phải Có Giấy Phép bao gồm địa điểm, loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ /ngành nghề được thu hút đầu tư, phạm vi, quy mô và công suất của Dự Án Phải Có Giấy Phép.
· Các nội dung được cấp phép, bao gồm (nếu có liên quan): (1) xả nước thải; (2) xả khí thải; (3) tiếng ồn và độ rung; (4) xử lý chất thải nguy hại; và/hoặc (5) phế liệu được phép nhập khẩu.
· Yêu cầu bảo vệ môi trường bao gồm các yêu cầu về: (1) công trình bảo vệ môi trường; (2) kế hoạch quản lý, giám sát, theo dõi và ứng phó sự cố môi trường, và thiết bị và công trình môi trường tương ứng, (3) quản lý chất thải, và (4) các yêu cầu khác (nếu có).
· Thời hạn hiệu lực: từ 07 đến 10 năm tùy theo loại dự án.
Giấy Phép Môi Trường Thành Phần
Các phê duyệt và giấy phép về môi trường sau đây được cấp theo Luật Bảo vệ Môi trường 2014 trước đây được coi là “Giấy Phép Môi Trường Thành Phần” theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020:
· Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường;
· Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường;
· Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
· Giấy phép xử lý chất thải nguy hại;
· Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; và
· Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Giấy Phép Môi Trường Thành Phần sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến thời điểm sau, tùy thuộc vào thời điểm nào đến sớm hơn: (1) ngày hết hạn của Giấy Phép Môi Trường Thành Phần, hoặc (2) ngày 1 tháng 1 năm 2027.
Dự Án Phải Có Giấy Phép đã vận hành trước ngày 1 tháng 1 năm 2022
Các Dự Án Phải Có Giấy Phép mà đã bắt đầu vận hành thương mại trước ngày 1 tháng 1 năm 2022, và đã có một hoặc nhiều Giấy Phép Môi Trường Thành Phần theo Luật Bảo vệ Môi trường 2014 trước đây sẽ không cần phải xin cấp Giấy Phép Môi Trường cho đến ngày hết hạn của bất kỳ Giấy Phép Môi trường Thành Phần nào, hoặc cho đến ngày 1 tháng 1 năm 2027, tùy thuộc vào thời điểm nào đến sớm hơn.
Các Dự Án Phải Có Giấy Phép đã bắt đầu vận hành thương mại trước ngày 1 tháng 1 năm 2022 và không có bất kỳ Giấy Phép Môi Trường Thành Phần nào theo Luật Bảo vệ Môi trường 2014 thì sẽ phải xin cấp Giấy Phép Môi Trường trước ngày 1 tháng 1 năm 2025.
Bài viết được thực hiện bởi Hà Kiều Anh, và được biên tập bởi Lưu Tuấn Hùng và Nguyễn Quang Vũ.