Vietnam Business Law

View Original

Ủy Quyền Mở Và Sử Dụng Tài Khoản Ngân Hàng Của Văn Phòng Đại Diện

Mặc dù trên thực tế, Trưởng Văn Phòng Đại Diện (VPĐD) thường thay mặt cho VPĐD để mở và sử dụng tài khoản ngân hàng của VPĐD, nhưng cũng có những trường hợp công ty mẹ muốn ủy quyền cho người khác (Người Được Uỷ Quyền) để thực hiện các công việc này. Câu hỏi đặt ra là việc ủy quyền như vậy có hợp pháp không và liệu xác nhận của Trưởng VPĐD đối với giấy ủy quyền đó (POA) có cần thiết hay không.

Câu trả lời ngắn gọn: Bên ủy quyền cho Người Được Ủy Quyền nên là VPĐD thay vì công ty mẹ. Nếu bên ủy quyền là công ty mẹ thì việc ủy quyền đó nên được Trưởng VPĐD với tư cách là “người đại diện theo pháp luật” của VPĐD xác nhận. Sự xác nhận này sẽ đóng vai trò như một ủy quyền đồng thời bởi VPĐD.

Điều này là do:

·         theo Thông Tư 23/2014 của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, VPĐD có quyền mở tài khoản ngân hàng và là chủ tài khoản;

·         Điều 3.3 và Điều 4 Thông Tư 23/2014 quy định rằng (i) người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của chủ tài khoản là tổ chức sẽ thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán trong phạm vi đại diện và (ii) chủ tài khoản còn có thể ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán của mình bằng văn bản;

·         do đó, việc ủy quyền cho người khác như Người Được Ủy Quyền để mở, sử dụng và đóng tài khoản ngân hàng của VPĐD nên được thực hiện bởi VPĐD với tư cách là chủ tài khoản (mà không phải công ty mẹ);

Ngoài ra, mặc dù VPĐD không phải là pháp nhân nhưng Trưởng VPĐD nên được coi là “người đại diện theo pháp luật” của VPĐD và có quyền thay mặt cho VPĐD ký POA nêu trên vì:

·         theo Điều 33.1 Nghị Định 7/2016 hướng dẫn luật thương mại, Trưởng VPĐD chịu trách nhiệm trước thương nhân nước ngoài về hoạt động của mình và của VPĐD trong phạm vi được thương nhân nước ngoài ủy quyền;

·         thông tin của Trưởng VPĐD được đăng ký trong giấy phép của VPĐD; và

·         theo Điều 135 Bộ Luật Dân Sự 2015, người đại diện theo pháp luật có thể được xác lập thông qua quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Mặc dù điều khoản này chủ yếu đề cập đến người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, tuy nhiên có thể áp dụng tương tự quy định này để lập luận rằng Trưởng VPĐD cũng đóng vai trò là người đại diện theo pháp luật của VPĐD.

Bài viết này được thực hiện bởi Trần Đức Long và biên tập bởi Hoàng Thị Thanh Thùy.