Điểm Mới Của Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2024 (Phần 2)
Bài viết này tiếp tục thảo luận về một số thay đổi bổ sung của Luật Các TCTD 2024. Để biết các nội dung đã được thảo luận trong Phần 1, vui lòng xem tại đây.
1. Giảm giới hạn tổng mức dư nợ cấp tín dụng
Luật Các TCTD 2024 giảm giới hạn cấp tín dụng trên vốn tự có của TCTD đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó. Cụ thể:
Đối với TCTD phi ngân hàng, giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng là 15% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng, và giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó là 25% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng.
2. Vai trò của đại lý quản lý tài sản đảm bảo
Một thay đổi đáng hoan nghênh của Luật Các TCTD 2024 là TCTD được phép thực hiện hoạt động đại lý quản lý tài sản bảo đảm cho bên cho vay là tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phụ thuộc vào hướng dẫn chi tiết của NHNN.
Theo Luật Các TCTD 2010, đại lý quản lý tài sản đảm bảo chỉ được công nhận trong trường hợp cho vay hợp vốn, khi đại lý quản lý tài sản đảm bảo là một trong các bên cho vay và được các bên cho vay còn lại ủy quyền giữ vai trò này.
3. Chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ
a) Luật Các TCTD 2024 cho phép TCTD được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định của Luật Kinh Doanh Bất Động Sản mà không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản theo Luật Kinh Doanh Bất Động Sản, với điều kiện là:
i) dự án bất động sản phải đáp ứng các điều kiện cụ thể (ví dụ: dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án không bị đình chỉ hoạt động, dự án còn trong thời hạn thực hiện, dự án không có tranh chấp, dự án đã có quyết định cho thuê/giao đất); và
ii) Bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện đối với chủ thể khi kinh doanh bất động sản.
b) Để tạo điều kiện cho TCTD thu hồi nợ, Luật Các TCTD 2024 (được sửa đổi vào ngày 29 tháng 6 năm 2024) cho phép TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện quyền chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản bảo đảm từ ngày 1 tháng 8 năm 2024 (thay vì ngày 1 tháng 1 năm 2025 như quy định trước đây).
4. Không yêu cầu Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp
Khác với Luật Các TCTD 2010, Luật Các TCTD 2024 không còn yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài phải xin cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp riêng sau khi được cấp phép theo pháp luật về ngân hàng. Theo đó, giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài cũng đồng thời là Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp. Tương tự, văn bản chấp thuận việc thành lập chi nhánh và văn phòng đại diện của TCTD cũng đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đó.
5. Rút tiền hàng loạt
a) Luật Các TCTD 2024 giới thiệu một cơ chế mới để giải quyết tình trạng rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng. Rút tiền hàng loạt được định nghĩa là việc tổ chức tín dụng bị nhiều người gửi tiền cùng rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất khả năng chi trả theo quy định của Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước.
b) TCTD đối mặt với tình trạng rút tiền hàng loạt phải báo cáo cho Ngân Hàng Nhà Nước và thực hiện ngay các biện pháp sau:
i) không chia cổ tức bằng tiền mặt;
ii) tạm dừng hoặc hạn chế các hoạt động cấp tín dụng và các hoạt động khác có sử dụng nguồn tiền của TCTD;
iii) thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu chi trả tiền gửi cho khách hàng; và
iv) thực hiện các biện pháp tại phương án khắc phục trong tình huống bị rút tiền hàng loạt.
c) Để xử lý trường hợp bị rút tiền hàng loạt, TCTD có thể (a) bán giấy tờ có giá cho Ngân Hàng Nhà Nước trên nghiệp vụ thị trường mở với lãi suất 0%; (b) thực hiện giao dịch ngoại tệ với Ngân Hàng Nhà Nước để bảo đảm thanh khoản theo quy định của Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước; c) thực hiện các khoản vay đặc biệt từ Ngân Hàng Nhà Nước; tổ chức bảo hiểm tiền gửi hoặc tổ chức tín dụng khác.
Bài viết này được thực hiện bởi Hoàng Thị Thanh Thùy.