Giải đáp của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đối với các quy định về hoạt động cho vay

Vào ngày 8 tháng 11 năm 2023, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN) ban hành Công Văn 8631 để giải đáp một số câu hỏi liên quan đến các quy định về hoạt động cho vay theo Thông Tư 06/2023 do NHNN ban hành ngày 28 tháng 6 năm 2023 (Thông Tư 6/2023) sửa đổi Thông tư 39/2016 do NHNN ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2016 về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) và/hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài với khách hàng (Thông Tư 39/2016).

Một số giải đáp đáng chú ý của NHNN sẽ được nêu tại bảng dưới đây.

Bài viết này được thực hiện bởi Phạm Thị Thu Trang và Nguyễn Hoàng Duy, và được biên tập bởi Hoàng Thị Thanh Thùy.

Câu hỏi

Giải đáp của NHNN

Bình luận

1. Câu hỏi 1 và 2 về khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.

1.1. Đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống: Khách hàng chỉ phải cung cấp thông tin phương án/dự án khi mục đích vay vốn là (a) để mua nhà ở, (b) để xây dựng/cải tạo nhà ở, hoặc (c) để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở. Nội dụng của các phương án/dự án này sẽ được thực hiện theo quy định nội bộ của TCTD.

1.2. TCTD nên rà soát các quy định nội bộ của mình và bổ sung các quy định về thông tin phương án/dự án mà khách hàng vay vốn cần phải cung cấp để thực hiện các khoản vay phục vụ đời sống này.

2. Câu hỏi 4: TCTD có được cho vay để trả nợ trước hạn đối với khoản vay nước ngoài của tổ chức, cá nhân (không phải vay từ TCTD) không?

2.1. Có, TCTD có thể cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn đối với khoản vay nước ngoài khi khoản vay nước ngoài đó đáp ứng các yêu cầu tại Điều 8.6(a) và Điều 8.6(b) của Thông Tư 39/2016. [[1]]

Không có bình luận.

3. Câu hỏi 6: TCTD không được cho vay để gửi tiền là dưới các hình thức tiền gửi nào tại TCTD, có bao gồm chứng chỉ tiền gửi do TCTD phát hành?

3.1. Theo Điều 4.13 Luật Các TCTD 2010, nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền dưới hình thức gửi tiền không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận. Theo đó, TCTD không được cấp khoản vay với mục đich mua chứng chỉ tiền gửi do chính TCTD cho vay hoặc TCTD khác phát hành.

3.2. Xem bình luận tại Câu hỏi 8 dưới đây.

4. Câu hỏi 8: Theo quy định tại Điều 8.7 Thông Tư 39/2016, TCTD có được cho khách hàng vay để ký quỹ không?

4.1. TCTD có thể cho khách hàng vay để ký quỹ khi khách hàng đáp ứng các điều kiện vay vốn và việc cho vay phải tuân thủ theo quy định nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay của TCTD.

 

4.2. Khoản tiền ký quỹ không rõ có được coi là một khoản tiền gửi không. Theo Điều 330 Bộ Luật Dân Sự 2015, ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào một tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

4.3. Như vậy, ký quỹ có thể được coi là một hình thức gửi tiền. Nếu vậy, giải đáp của NHNN cho Câu hỏi 8 này có thể mâu thuẫn với giải đáp đối với Câu hỏi 6 về việc không được cho vay vì mục đích gửi tiền.

5. Câu hỏi 9: Nợ lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả là khoản lãi phải trả phát sinh trên dư nợ gốc bị quá hạn của kỳ trả nợ hay là lãi trong hạn của kỳ trả nợ chưa trả? Thứ tự thu các loại lãi trên nợ gốc quá hạn nêu trên?

5.1. Theo Điều 18.4 Thông Tư 39/2016, nợ lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả là khoản lãi phải trả phát sinh trên dư nợ gốc bị quá hạn của kỳ trả nợ. Thứ tự thu các loại lãi trên nợ gốc quá hạn này do TCTD và khách hàng thỏa thuận.

 

Không có bình luận.

6. Câu hỏi 10: Đối với một khách hàng có nhiều khoản nợ vay quá hạn, TCTD có bắt buộc phải thực hiện ưu tiên thu nợ của khoản vay bị quá hạn xa nhất hay không?

6.1. Không bắt buộc phải thực hiện ưu tiên thu nợ của khoản vay bị quá hạn xa nhất, bởi vì Thông Tư 39/2016 không quy định thứ tự thu nợ quá hạn trong trường hợp khách hàng có nhiều khoản nợ vay quá hạn. Việc thu nợ này sẽ do TCTD và khách hàng thỏa thuận.

Không có bình luận.

7. Câu hỏi 14: TCTD có phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn vay đối với khoản vay theo hình thức thấu chi?

 

7.1. Theo Điều 94.3 Luât Các TCTD 2010, TCTD có nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng. Nghĩa vụ này cũng áp dụng đối với khoản vay theo hình thức thấu chi.

7.2. Do NHNN không khẳng định rõ ràng rằng TCTD có nghĩa vụ yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn vay đối với khoản vay theo hình thức thấu chi hay không, nên có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau (cụ thể là 1. TCTD phải thu thập các tài liệu này để kiểm tra và giám sát việc sử dụng vốn vay của khoản vay theo hình thức thấu chi, hoặc 2. TCTD không cần thu thập các tài liệu này miễn là vẫn đảm bảo việc kiểm tra và giám sát biệc sử dụng vốn vay đối với khoản vay theo hình thức thấu chi).

7.3. Nếu cách hiểu thứ nhất được chấp nhận, TCTD có thể gặp khó khăn bởi việc thu thập các tài liệu liên quan đến khoản vay theo hình thức thấu chi có thể không thực tế và không đơn giản.

8. Câu hỏi 15: Quy định Một năm ít nhất một lần, TCTD xem xét xác định lại hạn mức cho vay tối đa và thời gian duy trì hạn mức này có được hiểu là thời gian cấp hạn mức cho vay tối đa là 12 tháng hay không?

8.1.  Không. Điều 27.4 Thông Tư 39/2016 không giới hạn về thời gian cho vay theo hạn mức.

Không có bình luận.

9. Câu hỏi 16: Cho vay bằng phương tiện điện tử tại Mục 3 Thông Tư 39/2016 áp dụng với trường hợp thực hiện cho vay toàn bộ các khâu bằng phương tiện điện tử hay cả trường hợp áp dụng một hoặc một vài khâu bằng phương tiện điện tử?

9.1. Trường hợp thực hiện một hoặc hoặc một vài khâu cho vay bằng phương tiện điện tử cũng phải tuân thủ theo quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử tại Mục 3 Thông Tư 39/2016.

Không có bình luận.

10. Câu hỏi 18: Phạm vi áp dụng cho vay bằng phương tiện điện tử bao gồm cá nhân và pháp nhân hay chỉ áp dụng với cá nhân?

10.1. Quy định cho vay bằng phương tiện điện tử (trừ Điều 32b) áp dụng cho cả cá nhân và pháp nhân. Đối với Điều 32b về nhận biết khách hàng và xác minh thông tin nhận biết khách hàng, quy định này không áp dụng cho khách hàng là pháp nhân, mà chỉ áp dụng cho khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống và không áp dụng cho vay vốn phục vụ cho mục đích khác như hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác.

Không có bình luận.

11. Câu hỏi 19: TCTD có thể thực hiện cho vay bằng phương tiện điện tử đối với các nhu cầu vay vốn khác ngoài nhu cầu vay phục vụ nhu cầu đời sống không?

11.1. TCTD cân nhắc và quyết định thực hiện cho vay bằng phương tiện điện tử đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác theo Mục 3 Thông Tư 39/2016.

11.2. Giải đáp của NHNN không rõ ràng bởi không cụ thể rằng liệu quy định của Mục 3 Thông Tư 39/2016 sẽ mặc định chỉ áp dụng cho khoản vay có nhu cầu vay phục vụ đời sống, hay quy định này cũng có thể áp dụng cho các khoản vay có mục đích vay khác.

12. Câu hỏi 29: TCTD có phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, quyết định cho vay và thực hiện phân định trách nhiệm từng cá nhân, bộ phận của các khâu này nếu thuê nền tảng/hệ thống của bên thứ 3 để phục vụ khâu thẩm định và quyết định cho vay không?

12.1. Có, bởi theo Điều 3, Điều 7, Điều 32đ Thông Tư 39/2016 (đã được sửa đổi, bổ sung), TCTD phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, quyết định cho vay và thực hiện phân định trách nhiệm từng cá nhân, bộ phận của các khâu này nếu thuê nền tảng/hệ thống của bên thứ 3 để phục vụ khâu thẩm định và quyết định cho vay.

Không có bình luận.

13. Câu hỏi 30: Theo Điều 32e Thông Tư 39/2016 (đã được sửa đổi, bổ sung) thỏa thuận cho vay trong trường hợp là hợp đồng điện tử thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và phải có các nội dung quy định tại Điều 23 Thông Tư 39/2016 (đã được sửa đổi, bổ sung) có phù hợp không?

13.1. Có. Pháp luật về giao dịch điện tử đã quy định việc thực hiện hợp đồng điện tử, và các thỏa thuận vay phải bao gồm các nội dung tối thiểu theo Điều 23.

Không có bình luận.

14. Câu hỏi 31: Theo Điều 32e Thông Tư 39/2016 (đã được sửa đổi, bổ sung), thỏa thuận cho vay phải do người đại diện theo pháp luật của TCTD đại diện giao kết hay bất kỳ cá nhân nào được phân công/ủy quyền đều có quyền đại diện giao kết như việc thiết lập/ký kết hợp đồng tín dụng theo phương thức truyền thống?

14.1. Thông Tư 39/2016 không quy định về thẩm quyền ký thỏa thuận cho vay, do đó, TCTD phải căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành để quy định việc ký các thỏa thuận cho vay này (theo phương thức truyền thống hay điện tử) trong quy định nội bộ của TCTD.

Không có bình luận.

15. Câu hỏi 35: Ai là người có thẩm quyền ký quyết định cho vay tại Điều 32g Thông Tư 39/2016?

15.1. Người có thẩm quyền ký là người có thẩm quyền:

15.1.1. phê duyệt bộ tiêu chí/điều kiện cho vay của hệ thống thông tin phục vụ khâu thẩm định và quyết định cho vay; hoặc

15.1.2. phê duyệt cho vay theo quy định nội bộ của TCTD.

Không có bình luận.

16. Câu hỏi 37: Đề nghị hướng dẫn các TCTD trong trường hợp không lưu giữ được hồ sơ của khách hàng cá nhân theo quy định khi khách hàng (là chủ thể dữ liệu cá nhân) yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của mình theo quyền của các khách hàng đó theo Điều 16 Nghị Định 13/2023.

16.1. Nghị Định 13/2023 loại trừ các trường hợp được quy định tại pháp luật chuyên ngành. Do đó, TCTD sẽ thực hiện lưu trữ các tài liệu cho vay theo Điều 96 Luật TCTD.

 

 Không có bình luận.

17. Câu hỏi 43: TCTD và khách hàng đã ký hợp đồng khung trước ngày 1/9/2023 nhưng chưa giải ngân, nếu giải ngân kể từ ngày 1/9/2023 thì giấy nhận nợ có phải áp dụng theo quy định của Thông Tư 39/2016 không?

17.1. Nếu hợp đồng khung được ký trước ngày 1 tháng 9 năm 2023 không bao gồm các nội dụng tối thiểu yêu cầu bởi Điều 23 Thông Tư 39/2016, giấy nhận nợ của khoản vay được giải ngân sau ngày 1 tháng 9 năm 2023 theo hợp đồng khung đó sẽ phải tuân thủ Thông Tư 39/2016.

 

Không có bình luận.

 


[[1]cụ thể là thời hạn cho vay không được vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay nước ngoài cũ và khoản vay nước ngoài cũ đó chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.