THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CÓ THỂ ỦY QUYỀN VIỆC BÁN TRỰC TIẾP CỔ PHẦN NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN CHƯA NIÊM YẾT?

Theo Nghị định 91/2015 và Công văn số 10791 của Bộ Tài chính (BTC) vào tháng 8/2016, hiện không rõ liệu Thủ tướng có thể ủy quyền việc bán cổ phần Nhà nước trong công ty cổ phần chưa niêm yết cho một nhà đầu tư tư nhân mà không cần tổ chức đấu giá cổ phần công khai trước tiên hay không. Thực tế, nhiều nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư muốn có quyền kiểm soát hoặc nắm giữ cổ phần chi phối trong công ty cổ phần của Nhà nước) mong muốn có thể thỏa thuận trực tiếp với bên bán hơn là phải trải qua một quá trình đấu giá công khai phức tạp.

Trước đây, Nghị định 71/2013 quy định đối với công ty cổ phần chưa niêm yết (phần lớn thuộc sở hữu của Nhà nước), nếu (1) chỉ có một người mua đăng ký mua cổ phần của Nhà nước hoặc (2) Thủ tướng ủy quyền bằng văn bản thì sau đó bên bán có thể bán cổ phần thông qua đàm phán trực tiếp với các nhà đầu tư". Vì vậy, việc Thủ tướng có thể ủy quyền bán trực tiếp cổ phần nhà nước trong công ty cổ phần chưa niêm yết mà không thông qua đấu giá công khai là khá rõ ràng.

Nghị định 91/2015 thay thế Nghị định 71/2013 cho phép bán cổ phần thông qua đàm phán trực tiếp giữa bên bán (Nhà nước) và các nhà đầu tư trong trường hợp việc bán theo lô bằng cách đấu giá công khai không thành công (trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua hoặc Thủ tướng ủy quyền bán bằng văn bản). Những từ ngữ được đặt trong dấu ngoặc dẫn đến các cách hiểu khác nhau:

·         Hướng giải thích đầu tiên là Thủ tướng chỉ có thể cho phép đàm phán trực tiếp để bán cổ phần nhà nước sau khi bán theo lô thông qua đấu giá công khai không thành công. Cách giải thích trên xuất phát từ câu "Thủ tướng Chính phủ ủy quyền bán bằng văn bản” được đặt trong dấu ngoặc đơn. Theo đó, điều này sẽ hạn chế thẩm quyền của Thủ tướng đối với việc ủy quyền bán trực tiếp cổ phần nhà nước trước khi đấu giá công khai; và

·         Hướng giải thích thứ hai cho rằng dấu ngoặc đã được đặt sai vị trí mà đúng ra phải đặt dấu ngoặc sau từ "mua". Điều này được lý giải là vì các từ được đặt trong ngoặc đơn có nhiệm vụ  giải thích nguyên nhân dẫn đến việc tiến hành bán theo lô theo phương thức đấu giá công khai không thành công. Và việc ủy quyền của Thủ tướng không thể dẫn đến thất bại khi tiến hành bán theo lô theo phương thức đấu giá công khai. Hướng giải thích này đồng thời cũng phù hợp với các quy định về bán cổ phần nhà nước theo lô theo Quyết định 41/2015 của Thủ tướng Chính phủ và thực tế ở Việt Nam Thủ tướng thường có nhiều quyền hạn khi xử lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước (hoặc bị chi phối bởi phần vốn nhà nước).

Tuy nhiên, mới đây Bộ Tài chính đã trình Công văn lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó Bộ Tài chính đã đưa ra giải thích về những điều khoản có liên quan tại Nghị định 91/2015, Bộ Tài chính đã nhiều lần trích dẫn chính xác các từ ngữ của Nghị định 91/2015. Điều này cho thấy Bộ Tài chính không cho rằng vị trí đặt dấu ngoặc thứ hai là lỗi soạn thảo. Nội dung của Công văn cũng cho thấy rằng Thủ tướng không còn quyền hạn một cách rõ ràng như trước để ủy quyền bán trực tiếp cổ phần nhà nước trước khi đấu giá công khai.

Bài viết được đóng góp bởi Mai Chi, một thành viên của VILAF.