BẢO MẬT TRONG TỐ TỤNG TRỌNG TÀI Ở VIỆT NAM

Không có bất kỳ một nghĩa vụ pháp lý về bảo mật nào áp dụng đối với các bên trong một vụ tố tụng trọng tài ở Việt Nam. Theo Luật Trọng tài thương mại 2010, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Thế nhưng, xét xử không công khai không đồng nghĩa với việc thông tin được đưa ra trao đổi giữa các bên phải được giữ bí mật. Luật Trọng tài thương mại 2010 chỉ quy định rõ ràng về nghĩa vụ bảo mật đối với trọng tài viên mà không phải đối với các bên tham gia phiên xét xử (ví dụ: chuyên gia, nhân chứng, hoặc kể cả luật sư). Quy tắc trọng tài 2017 của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) không có điều khoản về bảo mật nào khác ngoài việc quy định về phiên xét xử trọng tài phải được tiến hành không công khai.

Các bên trong tố tụng trọng tài thường thực hiện quá trình tố tụng dựa trên nền tảng bảo mật. Tuy nhiên, sự chặt chẽ của tính bảo mật trong tố tụng trọng tài sẽ phụ thuộc vào hệ thống pháp luật và quy tắc trọng tài được lựa chọn cho từng vụ việc cụ thể. Các hệ thống pháp luật khác có quy định các nghĩa vụ bảo mật áp dụng đối với tất cả các bên tham gia quá trình tố tụng (ví dụ: Điều 24.4 và 39 của Quy tắc trọng tài SIAC).

Bởi vì quy định bảo vệ tính bảo mật của tố tụng trọng tài ở mỗi hệ thống pháp luật cũng như tại mỗi trung tâm trọng tài là khác nhau, điều khoản về lựa chọn pháp luật điều chỉnh ở tại thoả thuận trọng tài cần được cân nhắc một cách cẩn trọng. Nếu các bên trong hợp đồng lựa chọn trọng tài tại Việt Nam, cách tốt nhất là mở rộng thêm quy định tại điều khoản về bảo mật đối với các vấn đề liên quan đến trọng tài (ví dụ như thủ tục, tài liệu, phán quyết hoặc thậm chí các thủ tục của toà án liên quan đến trọng tài) để tránh việc bị tiết lộ những thông tin liên quan đến trọng tài bởi một bên trong hợp đồng cho bên thứ ba.

Bài viết này được đóng góp bởi Lê Minh Thuỳ - luật sư tập sự tại Venture North Law.