THỨ TỰ ƯU TIÊN THANH TOÁN GIỮA CÁC GIAO DỊCH BẢO ĐẢM KHÔNG PHÁT SINH HIÊU LỰC ĐỐI KHÁNG

Theo quy định tại Điều 308 của BLDS 2015, trường hợp các giao dịch bảo đảm liên quan tới cùng một tài sản không phát sinh hiệu lực đối kháng với một bên thứ ba (giao dịch bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng), thứ tự thanh toán sẽ được xác định theo thứ tự xác lập các giao dịch bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng. Điều 47a của Nghị Định 163/2006 cũng đưa ra quy định tương tự về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận bảo lãnh với các giao dịch không phát sinh hiệu lực đối kháng khác. Cụ thể, thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận bảo lãnh với các giao dịch không phát sinh hiệu lực đối kháng khác cũng sẽ được xác định theo thứ tự mà các giao dịch đó được xác lập.

Có một số vấn đề pháp lý phát sinh từ các quy định này như sau:

·         Nếu một giao dịch bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối khác với một bên thứ ba thì về mặt lô gich, giao dịch đó cũng sẽ không phát sinh hiệu lực đối kháng với các giao dịch khác. Tuy nhiên, Điều 308 của BLDS 2015 đã làm cho một giao dịch bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng trở nên đối kháng với các giao dịch bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng khác được giao kết sau giao dịch đó;

·         Không rõ là liệu một giao dịch bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với một bên thứ ba có thể có thứ tự ưu tiên đối với các giao dịch không được bảo đảm khác (giao kết sau thời điểm của giao dịch bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng đó) hay không. Thực tế, một giao dịch bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của chủ nợ không có bảo đảm. Do vậy, chủ nợ không có bảo đảm khi thực hiện các quyền của mình đối với con nợ có thể thu giữ các tài sản bảo đảm liên quan để đảm bảo quyền lợi của mình mà không bị ràng buộc bởi giao dịch bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng trước đó; và

·         Về cơ bản bên nhận bảo lãnh cũng là một chủ nợ không có bảo đảm. Vì vậy, quy định của Nghị Định 163/2006 mang lại cho chủ nợ không có bảo đảm quyền ưu tiên so với các chủ nợ có bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng của bên bảo đảm (bên giao kết các giao dịch bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng sau thời điểm phát hành bảo lãnh). Quy định này làm cho vị thế của các chủ nợ có bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng của con nợ trở nên bất lợi hơn so với chủ nợ có bảo đảm. Điều này có vẻ như là thiếu lô gich.