HÀNH ĐỘNG TẬP THỂ BỞI TRÁI CHỦ TẠI VIỆT NAM

Cơ chế hành động tập thể giữa các trái chủ là một trong những điểm phổ biến trong các điều khoản và điều kiện của trái phiếu doanh nghiệp.  Hai đặc điểm quan trọng của cơ chế hành động tập thể là:

· Việc sử dụng Đại Diện Được Ủy Nhiệm (Bond Trustee) để hành động vì lợi ích của trái chủ; và

· Việc sử dụng Hội nghị của các Trái Chủ cho phép việc đưa ra một quyết định của đa số (hoặc đại đa số) trái chủ liên quan đến trái phiếu (ví dụ: thay đổi các điều khoản của trái phiếu) để ràng buộc các trái chủ thiểu số không đồng ý với quyết định đó.

Có thể cho rằng, nếu các điều khoản về cuộc họp của các trái chủ được quy định trong các điều khoản của trái phiếu và trái chủ đồng ý với điều khoản đó thì các quy định về giao dịch dân sự theo Bộ Luật Dân Sự 2015 có thể cho phép việc sử dụng cuộc họp của các trái chủ tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu lực của quyết định được đưa ra tại cuộc họp trái chủ trong đó không được chấp thuận bởi tất cả các trái chủ vẫn còn là một câu hỏi theo luật pháp Việt Nam. Điều này là bởi:

không rõ liệu các điều khoản và điều kiện của trái phiếu có thể tạo thành một hợp đồng giữa các trái chủ tương tự như cách điều lệ của một công ty là hợp đồng giữa các cổ đông hay không. Lý do là bởi không có yêu cầu luật định theo theo đó trái chủ phải tuân thủ các điều khoản của trái phiếu và quyết định của cuộc họp trái chủ. Ngoài ra, có thể lập luận rằng các điều khoản và điều kiện của trái phiếu chỉ tạo thành hợp đồng giữa người phát hành và trái chủ mà không phải là giữa các trái chủ với nhau. Việc đảm bảo rằng có một hợp đồng hợp lệ giữa các trái chủ là rất quan trọng (ví dụ: để xác định xem có thỏa thuận trọng tài giữa các trái chủ hay không khi có tranh chấp giữa các trái chủ và các bên muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài);

 theo Nghị Định 163/2018, một trái chủ đầu tư vào trái phiếu phát hành theo đợt chào bán riêng lẻ có quyền được đảm bảo rằng tổ chức phát hành sẽ thanh toán đầy đủ và đúng hạn tất cả tiền gốc và lãi của trái phiếu và sẽ thực hiện được các quyền gắn liền với trái phiếu. Một tổ chức phát hành trái phiếu chào bán ra công chúng phải thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết với các nhà đầu tư và đảm bảo các quyền và lợi ích của nhà đầu tư. Nếu các điều khoản của trái phiếu không quy định sự từ bỏ rõ ràng của nhà đầu tư đối với các quyền này thì có thể cho rằng, quyết định của một cuộc họp trái chủ không thể thay đổi các quyền này mà không có sự đồng ý của các trái chủ thiểu số; và

Nghị định 58/2012 yêu cầu người đại diện của các trái chủ đại diện cho lợi ích của các trái chủ. Điều khoản này có thể được giải thích có nghĩa là lợi ích của “tất cả trái chủ”. Ngoài ra, Bộ Luật Dân Sự 2015 và Luật Thương Mại 2005 yêu cầu chung rằng người đại diện hành động theo chỉ dẫn của người được đại diện và vì lợi ích của người được đại diện. Do đó, một đại diện của các trái chủ hành động ngược lại sự phản đối của một trái chủ thiểu số đối với quyết định của cuộc họp trái chủ có thể được coi là không hành động vì lợi ích và theo chỉ dẫn của trái chủ thiểu số.