“Tổn thất thực tế và trực tiếp” do vi phạm hợp đồng liệu có bao gồm các tổn thất bên bị vi phạm phải gánh chịu theo một hợp đồng khác với bên thứ ba không?

Theo Luật Thương Mại 2005, giá trị thiệt hại mà bên bị vi phạm có thể yêu cầu bồi thường do hành vi vi phạm hợp đồng sẽ bao gồm (i) giá trị “tổn thất thực tế, trực tiếp” mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do bên vi phạm gây ra và (ii) “khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng” nếu không có hành vi vi phạm đó. Rõ ràng,  khoản tiền  mà bên bị vi phạm phải bồi thường cho bên thứ ba (ví dụ: khách hàng của bên bị vi phạm) do hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm (Thiệt Hại Với Bên Thứ Ba) sẽ không được coi là lợi nhuận bị mất theo điểm (ii). Tuy nhiên, không rõ liệu và bằng cách nào mà Thiệt Hại Với Bên Thứ Ba có thể được bao gồm trong “tổn thất thực tế và trực tiếp” (Tổn Thất Trực Tiếp) mà bên bị vi phạm phải gánh chịu.

Luật Thương Mại 2005 cũng không quy định chi tiết hơn về cách xác định Tổn Thất Trực Tiếp. Bộ Luật Dân Sự 2015 đưa ra một danh sách liệt kê các thiệt hại  do hành vi vi phạm nghĩa vụ/hợp đồng, mà có thể sử dụng để xác định loại tổn thất này, bao gồm:

(i)         thiệt hại về vật chất, là tổn thất thực tế mà có thể xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế hay khắc phục thiệt hại; và thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; 

(ii)        tổn thất và thiệt hại liên quan đến các lợi ích từ hợp đồng mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng; và

(iii)       bất cứ chi phí nào phát sinh từ việc bên vi phạm không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với khoản bồi thường nêu tại khoản (ii) nói trên.

Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa đủ  để chứng mình rằng Thiệt Hại Với Bên Thứ Ba sẽ được coi là một Tổn Thất Trực Tiếp mà bên bị vi phạm phải gánh chịu.

Đánh giá yếu tố “thực tế” của  Thiệt Hại Với Bên Thứ Ba

Trong thực tế, mặc dù không có hướng dẫn cụ thể nào về việc xác định yếu tố “thực tế” trong Thiệt Hại Với Bên Thứ Ba, Tòa án Việt Nam có thể đánh giá yếu tố này thông qua các văn bản/tiêu chí sau:

·              Nội dung hợp đồng giữa bên bị vi phạm và bên thứ ba;

·              Đơn mua hàng giữa bên bị vi phạm và khách hàng của bên đó;

·              Kế hoạch kinh doanh của bên bị vi phạm liên quan đến các giao dịch với bên thứ ba; và

·              Thỏa thuận giữa bên bị vi phạm và bên thứ ba liên quan đến khoản tiền mà bên đó phải bồi thường cho bên thứ ba, hoặc phán quyết của Tòa án về việc  bên bị vi phạm có nghĩa vụ phải bồi thường cho bên thứ ba, …

Đánh giá yếu tố “trực tiếp” của  Thiết Hại Với Bên Thứ Ba

Có thể lập luận rằng, nếu bên bị vi phạm có thể chứng minh được mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm và tổn thất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu theo Luật Thương Mại 2005 thì yếu tố  "trực tiếp” của Thiệt Hại Với Bên Thứ Ba sẽ có thể được thỏa mãn. Tuy nhiên, điều này sẽ không hợp lý bởi giá trị thiệt hại là một vấn đề riêng biệt cần được chứng minh bởi bên bị vi phạm theo Điều 304 Luật Thương Mại 2005, bên cạnh nghĩa vụ chứng minh các căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Điều 303 Luật Thương Mại 2005.

Trên thực tế, Tòa án Việt Nam sẽ tính đến yếu tố liệu bên vi phạm có biết hoặc phải biết về mối quan hệ giữa bên bị vi phạm và bên thứ ba (Giao Dịch Với Bên Thứ Ba) hay không khi đánh giá yếu tố “trực tiếp” của Thiệt Hại Với Bên Thứ Ba.

·               Trong Bản Án 1006/2008/KDTM-ST, Tòa án đã bác bỏ một yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo hình thức trả bồi thường cho các bên thứ ba trên cơ sở bên vi phạm không được thông báo về giao dịch giữa bên bị vi phạm và bên thứ ba đó. PGS.TS Đỗ Văn Đại có quan điểm rằng một yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại chỉ nên được chấp nhận nếu bên vi phạm biết hoặc đáng lẽ phải biết về sự tồn tại của Giao Dịch Với Bên Thứ Ba.

·               Mặc dù vậy, Tòa án Việt Nam không đưa ra  giải thích về mức độ chi tiết mà bên vi phạm phải biết hoặc đáng lẽ phải biết về Giao Dịch Với Bên Thứ Ba đó. Có thể lập luận rằng yếu tố “trực tiếp” chỉ có thể được thỏa mãn khi bên vi phạm nhận biết được hoặc đáng lẽ phải nhận biết được cụ thể chi tiết về Giao Dịch Với Bên Thứ Ba (ví dụ: sự tồn tại của quan hệ hợp đồng giữa bên bị vi phạm và một bên thứ ba cụ thể, chứ không phải hiểu biết về các giao dịch  với các bên thứ ba nói chung) tại thời điểm kí hợp đồng với bên bị vi phạm.

Tóm lại, việc đánh giá các yếu tố “thực tế” và “trực tiếp” của Thiệt Hại Với Bên Thứ Ba để được coi là  Tổn Thất Trực Tiếp sẽ được quyết định bởi Tòa án Việt Nam tùy từng trường hợp cụ thể. Hi vọng rằng, cơ quan có thẩm quyền sẽ đưa ra thêm hướng dẫn về vấn đề này trong thời gian tới.

Bài viết được thực hiện bởi Trịnh Phương Thảo và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ