Việc sử dụng các căn cứ ngoài điều khoản hợp đồng (extrinsic evidence) để giải thích hợp đồng theo Pháp luật Việt Nam
“Căn cứ ngoài điều khoản hợp đồng” (extrinsic evidence) có tồn tại theo pháp luật Việt Nam không?
Pháp luật Việt Nam không giải quyết cụ thể khái niệm “căn cứ ngoài điều khoản hợp đồng”. Căn cứ ngoài điều khoản hợp đồng thường được hiểu là căn cứ liên quan đến hợp đồng nhưng không xuất hiện trong nội dung các điều khoản được thể hiện trên hợp đồng vì nó xuất phát từ các căn cứ khác, chẳng hạn như tuyên bố giữa các bên hoặc các hoàn cảnh tiến hành thỏa thuận.
Tuy nhiên, Điều 404.1 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng.”
Theo đó, Bộ luật Dân sự 2015 cho phép sử dụng căn cứ ngoài điều khoản hợp đồng làm nguồn giải thích hợp đồng.
Khi nào có thể sử dụng căn cứ ngoài điều khoản hợp đồng?
Để dựa vào Điều 404.1 Bộ luật Dân sự 2015 trong việc sử dụng căn cứ ngoài điều khoản hợp đồng, cần phải xác định điều khoản “không rõ ràng” trong hợp đồng. Điều 404.4 BLDS 2015 quy định các điều khoản của hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng.
Khi hai điều khoản hợp đồng được xác định là không phù hợp với nhau thì các điều khoản đó nên được coi là 'không rõ ràng', do đó, theo Điều 404.1 Bộ luật Dân sự 2015, có thể dựa vào căn cứ ngoài điều khoản hợp đồng để giải thích điều khoản 'không rõ ràng' đó.
Làm thế nào để xác định được ý chí của các bên?
Ý chí của các bên theo quy định tại Điều 404.1 Bộ luật Dân sự 2015 phải bao gồm cả (i) ý chí của từng bên và/hoặc (ii) ý chí chung của tất cả các bên. Điều này là do Bộ luật Dân sự 2005, sau này được thay thế bởi Bộ luật Dân sự 2015, chỉ đề cập đến ý chí chung của các bên để giải thích hợp đồng khi điều khoản hợp đồng không rõ ràng. Sự thay đổi từ 'ý chí chung của các bên' theo Điều 409.1 Bộ luật Dân sự 2005 sang 'ý chí của các bên' theo Điều 404.1 BLDS 2015 cho thấy ý chí của từng bên cũng cần được xem xét trong quá trình giải thích hợp đồng theo Bộ luật Dân sự 2015.
Pháp luật Việt Nam không có cơ chế xác định ý chí chung của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, có thể có hai cách để xác định “ý chí chung” của các bên:
(1) thứ nhất, có sự thỏa thuận giữa các bên rằng ý chí đó là ý chí chung của các bên. Điều này là do từ “chung” gợi ý rằng ý định liên quan cần được các bên đồng ý; hoặc
(2) thứ hai, tòa án sẽ giải thích ý chí của từng bên trong hợp đồng và tìm ra ý chí chung của các bên (là ý chí mà cả hai bên đều có dựa vào sự giải thích của tòa án). Cách hiểu này được xác nhận bởi Điều 404.1 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, Điều 404.1 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng hợp đồng sẽ được giải thích dựa trên ý chí của các bên trong đó có thể bao gồm cả ý chí của từng bên đối với hợp đồng, không chỉ là “ý chí chung” của các bên theo quy định tại Điều 404.5 Bộ luật Dân sự 2015.
Ví dụ về việc sử dụng căn cứ ngoài điều khoản hợp đồng
Trong Cuốn sách của mình về luật hợp đồng Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại đã đưa ra ví dụ về việc tòa án sử dụng căn cứ ngoài điều khoản hợp đồng để xác định ý chí của một bên trong hợp đồng. Ví dụ, khi giải thích các hợp đồng mua bán nhà khác nhau, tòa án đã dựa vào:
(1) quảng cáo do bên bán đăng trước khi bán căn nhà để xác định rằng bên bán dự định bán toàn bộ căn nhà chứ không phải một phần của căn nhà như bên bán lập luận;
(2) việc bên bán không phản đối khi bên mua nộp hồ sơ trả tiền thuê đất cho phần đất xung quanh căn nhà sau khi hợp đồng mua bán được ký kết để xác định rằng bên bán có ý định bán cả căn nhà và phần đất xung quanh (không chỉ căn nhà);
(3) việc bên bán không quy định trong hợp đồng rằng bên bán chỉ bán một phần của căn nhà để xác định rằng bên bán dự định bán toàn bộ căn nhà chứ không phải một phần của căn nhà; hoặc
(4) việc giá bán của căn nhà phù hợp với giá thị trường của toàn bộ căn nhà để xác định rằng bên bán dự định bán toàn bộ căn nhà chứ không phải một phần của căn nhà.
Bài viết này được thực hiện bởi Hà Kiều Anh và được biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.