Các vấn đề chính trong hợp đồng mua bán điện mẫu (PPA) cho hệ thống điện mặt trời mái nhà

1.1. điều khoản rõ ràng để giải quyết trường hợp công suất lắp đặt thực tế của ĐMTMN cao hơn hoặc thấp hơn công suất thiết kế của ĐMTMN như được ghi trong PPA ĐMTMN. Do đó, không rõ liệu bên mua (EVN):

1.1.1.        có thể từ chối ĐMTMN nếu công suất lắp đặt thực tế của ĐMTMN thấp hơn công suất thiết kế; hoặc

1.1.2.        có thể từ chối mua công suất dư thừa nếu công suất lắp đặt thực tế của ĐMTMN cao hơn công suất thiết kế.

Rủi ro điều độ

1.2. Không giống như các nhà máy điện mặt trời nối lưới được Quyết Định 13/2020 quy định ưu tiên điều độ để khai thác toàn bộ công suất, PPA ĐMTMN không có bất kỳ điều khoản áp dụng nào với hiệu quả tương tự. Hơn nữa, EVN có nghĩa vụ mua toàn bộ điện năng được tạo ra từ nhà máy điện mặt trời nối lưới, trong khi đó ĐMTMN thì không có quy định này. Theo đó, ĐMTMN không được ưu tiên bán điện cho EVN, và cũng không có gì đảm bảo rằng EVN sẽ mua toàn bộ điện năng phát từ ĐMTMN lên lưới điện của EVN.

Rủi ro thanh toán

1.3. PPA ĐMTMN quy định rằng EVN sẽ không cần phải thanh toán trong trường hợp sau:

1.3.1.        Bên bán điện không thiết kế, thi công lắp đặt, vận hành ĐMTMN theo đúng quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật hiện hành về chất lượng điện năng, an toàn điện, xây dựng, môi trường và phòng chống cháy nổ;

1.3.2.        Bên bán điện đấu nối các nguồn điện khác, ngoài ĐMTMN đã thoả thuận theo PPA ĐMTMN, qua công tơ đo đếm mà không được sự đồng ý của EVN; và

1.3.3.        Bên bán điện không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

1.4. Về các trường hợp nêu trên tại 1.4, không rõ là:

1.4.1.        liệu EVN có quyền không thanh toán cho bên bán điện toàn bộ lượng điện chưa thanh toán đã được phát lên lưới điện tại thời điểm EVN biết được vi phạm, hay chỉ là lượng điện chưa thanh toán đã được phát lên lưới kể từ thời điểm xảy ra vi phạm; hoặc

1.4.2.        liệu EVN có cần phải thanh toán sau khi vi phạm liên quan đã được bên bán điện khắc phục hay không.

Sự kiện bất khả kháng

1.5. PPA ĐMTMN không có bất kỳ điều khoản nào quy định việc giải quyết các sự kiện bất khả kháng. Theo đó, các quy định của Việt Nam về sự kiện bất khả kháng của Việt Nam sẽ được áp dụng.  Cụ thể, theo Luật Thương Mại 2005, bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm khi xảy ra sự kiện bất khả kháng. Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Trường hợp các bên không có thoả thuận hoặc không thoả thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng được kéo dài thêm một khoảng thời gian bằng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng và một khoảng thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả của sự kiện đó, nhưng không vượt quá các thời hạn sau:

1.5.1.        Năm (5) tháng đối với hàng hoá hoặc dịch vụ mà thời hạn giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá mười hai (12) tháng kể từ ngày giao kết hợp đồng; hoặc

1.5.2.        Tám (8) tháng đối với hàng hoá hoặc dịch vụ mà thời hạn giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên mười hai (12) tháng kể từ ngày giao kết hợp đồng.

Khi quá các thời hạn trên, các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại.

Rủi ro thay đổi pháp luật

1.6. Không có biện pháp bảo vệ nào cho bên bán điện đối với sự thay đổi pháp luật trong thời hạn của PPA ĐMTMN. Mặt khác, ĐMTMN được yêu cầu phải được thiết kế, thi công lắp đặt và vận hành theo các quy chuẩn kỹ thuật và quy định pháp luật. Theo đó, bên bán điện sẽ phải chịu mọi rủi ro (hoặc lợi ích) do thay đổi pháp luật có thể xảy ra trong thời hạn hợp đồng.

Giải quyết tranh chấp

1.7. Thủ tục giải quyết tranh chấp của PPA ĐMTMN rất phức tạp. Và do không có điều khoản trọng tài rõ ràng trong PPA ĐMTMN, các tranh chấp theo PPA ĐMTMN sẽ được giải quyết tại các toà án địa phương, cơ quan mà có thể sẽ thiên vị hơn cho bên mua với tư cách là một đơn vị thuộc sở hữu của nhà nước. Thủ tục cụ thể để giải quyết tranh chấp theo PPA ĐMTMN như sau:

1.7.1.        Trong trường hợp có tranh chấp giữa các bên tham gia PPA ĐMTMN, bên đưa ra tranh chấp phải thông báo bằng văn bản cho bên kia về nội dung tranh chấp và các yêu cầu của bên đó.

1.7.2.        Các bên sẽ thương lượng để giải quyết tranh chấp trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của bên đưa ra tranh chấp;

1.7.3.        Việc giải quyết tranh chấp liên quan đến việc thanh toán tiền điện sẽ được tiến hành trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày có thông báo của bên yêu cầu;

1.7.4.        Nếu các bên không thể thống nhất được các tranh chấp, các bên có quyền gửi văn bản đến “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” để hỗ trợ các bên giải quyết vướng mắc. Không rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở đây là ai. Xét rằng đây là quy định tại Điều 6.1 – “giải quyết tranh chấp bằng thương lượng”, có vẻ như cơ quan nhà nước phải là người đóng vai trò hoà giải hoặc một vai trò tương tự. Mặc dù vậy, đây không phải là bước bắt buộc phải thực hiện; và

1.7.5.        Nếu các bên không giải quyết được bằng thương lượng theo quy trình nêu trên thì có thể đưa vụ việc lên đơn vị điện lực cấp trên của bên mua hoặc Bộ Công Thương (BCT) để được giải quyết.

1.7.6.        Ngoài quy định nêu trên của PPA ĐMTMN, pháp luật còn quy định nếu sau 60 ngày mà các bên không tự giải quyết được thì có thể đưa vụ việc ra Cục Điều tiết điện lực Việt Nam (ERAV) để được giải quyết theo quy định với thủ tục tuân theo Thông Tư 40/2010. Nếu sau thủ tục này, một bên không đồng ý với quyết định của ERAV, bên đó vẫn có thể đưa vụ việc ra toà.

1.8. Dựa trên các điều nói trên, không rõ là:

1.8.1.        liệu các bên trong PPA ĐMTMN có thể thoả thuận sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp thay vì đơn vị điện lực cấp trên của bên mua điện hoặc BCT hay không;

1.8.2.        liệu tranh chấp theo PPA ĐMTMN chỉ có thể được giải quyết cuối cùng bởi đơn vị điện lực cấp trên của bên mua điện hoặc BCT (mà không phải là bằng tố tụng trọng tài hoặc toà án) hay không, và thủ tục sẽ như thế nào, vì theo hiểu biết của chúng tôi, không có văn bản pháp luật nào quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp của “đơn vị điện lực cấp trên của bên mua điện” hoặc BCT; và

1.8.3.        nếu thủ tục giải quyết tranh chấp theo Thông Tư 40/2010 cũng được áp dụng cho PPA ĐMTMN, liệu các bên có thể đưa tranh chấp ra trọng tài thay vì toà án quốc gia có thẩm quyền hay không.

Mặc dù vậy, nếu các bên trong PPA ĐMTMN có thể thoả thuận về trọng tài, các bên có thể tránh việc giải quyết tranh chấp tại ERAV theo Thông Tư 40/2010 bằng cách tiến hành thủ tục trọng tài trước khi tranh chấp được ERAV thụ lý để giải quyết.