Huy động vốn hoạt động của công ty tài chính tổng hợp

1.         Theo luật, công ty tài chính tổng hợp được định nghĩa là công ty tài chính được thực hiện các hoạt động quy định tại Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2010. Theo Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2010, công ty tài chính được phép huy động vốn hoạt động dưới các hình thức sau đây với điều kiện là các hình thức huy động vốn đó được quy định rõ trong giấy phép thành lập và hoạt động của công ty tài chính:

1.1.1.   Nhận tiền gửi từ các tổ chức;

1.1.2.   Phát hành chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, kỳ phiếu và trái phiếu (các Giấy Tờ Có Giá) để huy động vốn từ các tổ chức; và

1.1.3.   Vay vốn từ các tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật; và vay vốn từ Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN) theo hình thức tái cấp vốn.

1.2.      Trừ trường hợp nêu tại 1.5, trong mọi trường hợp khác, công ty tài chính chỉ được huy động vốn từ các tổ chức. Ngoài ra còn có một số các hạn chế áp dụng cho công ty tài chính liên quan đến việc huy động vốn này, bao gồm:

1.2.1.   các quỹ đầu tư không thể gửi tiền tại công ty tài chính mà chỉ có thể mua các giấy tờ có giá do công ty tài chính phát hành (Thông tư 98 của Bộ Tài Chính ngày 16 tháng 11 năm 2020 (Thông Tư 98/2020));

1.2.2.   thời hạn gửi tiền của các tổ chức tín dụng khác tại công ty tài chính không được quá 3 tháng (Điều 28.3 Thông Tư 21 của NHNN ngày 18 tháng 6 năm 2012, như được sửa đổi (Thông Tư 21/2012));

1.2.3.   thời hạn của chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu và tín phiếu do các tổ chức tín dụng hoặc một chi nhánh ngân hàng nước ngoài nắm giữ phải dưới 12 tháng (Điều 4.4 Thông Tư 01 của NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2021 (Thông Tư 01/2021));

1.2.4.   các khoản vay của công ty tài chính từ các tổ chức tín dụng trong nước phải có thời hạn dưới một năm và được sử dụng để bù đắp thiếu hụt tạm thời dự trữ bắt buộc, khả năng chi trả và kinh doanh vốn trên cơ sở cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và an toàn hoạt động cho công ty tài chính (Điều 9 Thông Ty 21/2012);

1.2.5.   các công ty chứng khoán hoặc các quỹ đầu tư chứng khoán trong nước không được cho công ty tài chính vay vì (i) các khoản vay do công ty chứng khoán cấp chỉ được sử dụng cho mục đích kinh doanh chứng khoán trong khi công ty tài chính không được thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán, và (ii) các quỹ đầu tư chứng khoán không được sử dụng vốn và tài sản của quỹ để cho vay (Điều 86.1 Luật Chứng Khoán 2019, Điều 27 Thông Tư 121 của Bộ Tài Chính ngày 31 tháng 12 năm 2020, và Thông Tư 98/2020);

1.2.6.   công ty quản lý quỹ không được sử dụng vốn của mình để cho các tổ chức khác vay (bao gồm cả công ty tài chính) dưới bất kỳ hình thức nào nhưng có thể sử dụng tài sản ủy thác để cho vay nếu khách hàng ủy thác là cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài và đã chấp thuận cho phép công ty quản lý quỹ thực hiện việc cho vay; hoặc khách hàng ủy thác là chủ sở hữu tài sản ủy thác (Điều 10.21(c) Thông Tư 99 của Bộ Tài Chính ngày 16 tháng 11 năm 2020);

1.2.7.   mặc dù Luật Kinh Doanh Bảo Hiểm 2000 có quy định rằng doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có thể thực hiện hoạt động cho vay, tuy nhiên do chưa có các quy định hướng dẫn chi tiết về quyền cho vay này nên không rõ việc cho vay của của các doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có thể thực hiện trên thực tế hay không; và

1.2.8.   luật có quy định các mức lãi suất trần đối với tiền gửi hoặc Giấy Tờ Có Giá có kỳ hạn dưới sáu tháng do công ty tài chính phát hành. Ví dụ, mức lãi suất tối đa hiện hành áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức (bao gồm cả Giấy Tờ Có Giá) (ngoại trừ các tổ chức tín dụng) là 0,2%/năm tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng, và 4%/năm cho các khoản tiền gửi với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng (Điều 1.1 Quyết Định 1729 của NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2020). Lãi suất áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn bằng USD là 0% (Điều 1 Quyết Định 2589 của NHNN ngày 17 tháng 12 năm 2015).

1.3.      Nếu công ty mẹ của công ty tài chính là một ngân hàng cổ phần đại chúng thì ngân hàng mẹ vẫn có thể cho công ty tài chính vay vốn phụ thuộc vào một số điều kiện. Ví dụ:

1.3.1.   khoản vay được cấp cho công ty tài chính phải có tài sản bảo đảm và tài sản bảo đảm không được là cổ phiếu của công ty tài chính hoặc của bên cho vay đó (Điều 126.5 và 127.1(e) Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2010);

1.3.2.   khoản vay được cấp cho công ty tài chính không được sử dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu (Điều 11.2(dd) và Điều 12.2(e) Thông tư 22 của NHNN ngày 15 tháng 11 năm 2019); và

1.3.3.   tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với công ty tài chính không được vượt quá 10% vốn tự có của bên cho vay (Điều 127.5 Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2010).

1.4.      Khi phát hành các giấy tờ có giá là trái phiếu, công ty tài chính phải đáp ứng và tuân thủ các yêu cầu và các thủ tục phát hành trái phiếu riêng lẻ hoặc chào bán trái phiếu công khai theo Luật Chứng Khoán 2019.

1.5.      Theo Thông Tư 30 của NHNN ngày 06 tháng 11 năm 2014, như được sửa đổi (Thông Tư 30/2014), phụ thuộc vào phạm vi hoạt động quy định trong giấy phép thành lập và hoạt động của công ty tài chính, công ty tài chính có quyền nhận vốn ủy thác của các cá nhân hoặc tổ chức để đầu tư vào dự án sản xuất kinh doanh, cho vay hoặc cho thuê tài chính, tùy từng trường hợp.

1.5.1.   Về mặt ngữ nghĩa, hoạt động ủy thác không phải là một hình thức huy động vốn nhưng hoạt động kinh doanh này cho phép công ty tài chính nhận tiền từ các cá nhân (là những người sẵn sàng tham gia giao dịch).

1.5.2.   Tuy nhiên, mặc dù pháp luật không hoàn toàn rõ ràng, trên thực tế, Ngân Hàng Nhà Nước có quan điểm rằng một tổ chức tín dụng như công ty tài chính không thể nhận ủy thác vốn từ các doanh nghiệp hoặc các cá nhân để cho vay vì theo NHNN, cho vay là hoạt động kinh doanh mà chỉ các tổ chức tín dụng được phép thực hiện. Các doanh nghiệp khác hoặc các cá nhân không được thực hiện hoạt động kinh doanh này.

Bài viết được thực hiện bởi Lê Minh Thùy, Trần Kim Chi và Hoàng Thị Thanh Thùy.