Giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong Hợp Đồng Hợp Tác Kinh Doanh tại Việt Nam

Trong một số lĩnh vực kinh doanh nhất định (ví dụ: dịch vụ chiếu phim, dịch vụ vận tải đường bộ), Việt Nam cam kết cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư thông qua hình thức thành lập công ty liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với số vốn góp không vượt quá giới hạn nhất định. Tuy nhiên, không rõ liệu giới hạn tỷ lệ sở hữu quy định trong các cam kết này chỉ áp dụng cho hình thức đầu tư thông qua liên doanh hay áp dụng cho cả hai hình thức đầu tư qua liên doanh và qua BCC.

Một mặt, trong hợp đồng BCC, các bên vẫn được yêu cầu nêu rõ phần đóng góp của mỗi bên. Ngoài ra, trong Cam Kết WTO của Việt Nam, có một số nội dung quy định giới hạn sở hữu nước ngoài áp dụng cụ thể cho các công ty liên doanh. Theo đó, có thể lập luận rằng giới hạn sở hữu nước ngoài cũng được áp dụng cho các hợp đồng hợp tác kinh doanh nếu không có đề cập cụ thể đến công ty liên doanh.

Mặt khác, có một số lập luận ủng hộ quan điểm rằng không áp dụng các giới hạn sở hữu nước ngoài này. Cụ thể là:

•          Theo Luật Đầu Tư 2020, chỉ có giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong vốn điều lệ của một công ty được coi là điều kiện đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy các nhà soạn thảo Luật Đầu Tư 2020 không có ý định áp đặt giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các BCC nói chung;

•          Một BCC không liên quan đến việc thành lập một công ty riêng biệt để thực hiện hoạt động đầu tư. Nhìn chung, hình thức đầu tư này được coi là kém thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài do nhà đầu tư nước ngoài không tham gia trực tiếp vào hoạt động đầu tư. Theo đó, việc áp đặt giới hạn sở hữu nước ngoài đối với một BCC giống như áp dụng cho công ty liên doanh là không hợp lý; và

•          Trong một số giải thích không chính thức về cam kết có liên quan, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho rằng giới hạn sở hữu nước ngoài chỉ áp dụng cho liên doanh.

Bài viết được thực hiện bởi Nguyễn Quang Vũ với sự hỗ trợ nghiên cứu của Nguyễn Thu Giang và Lưu Tuấn Hùng.