“Địa điểm trọng tài” và “nơi tiến hành phiên trọng tài” - Các thuật ngữ này có nghĩa là gì theo pháp luật Việt Nam?
Trong trọng tài quốc tế, việc xác định “Địa Điểm Trọng Tài” rất quan trọng bởi pháp luật của quốc gia nơi có địa điểm trọng tài sẽ thường điều chỉnh các thủ tục tố tụng trọng tài. Ngoài ra, các quy tắc trọng tài quốc tế còn phân biệt địa điểm trọng tài với Nơi Tiến Hành Phiên Trọng Tài là nơi thực tế diễn ra các phiên xét xử trọng tài. Tại Việt Nam, Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 chưa có định nghĩa rõ ràng về “địa điểm trọng tài” và “nơi tiến hành phiên trọng tài”.
Điều 3.8 của Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 quy định:
“Địa điểm giải quyết tranh chấp là nơi Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo sự thỏa thuận của các bên hoặc do Hội đồng trọng tài quyết định nếu các bên không có thỏa thuận. Nếu địa điểm giải quyết tranh chấp được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam thì phán quyết phải được coi là tuyên tại Việt Nam mà không phụ thuộc vào nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp để ra phán quyết đó”
Có ba địa điểm được nhắc đến trong điều khoản trên:
(1) địa điểm giải quyết tranh chấp;
(2) nơi phán quyết được tuyên; và
(3) nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp.
Không rõ nơi nào trong ba nơi trên sẽ được coi là địa điểm trọng tài theo pháp luật Việt Nam. Sẽ hợp lý hơn nếu coi nơi phán quyết được tuyên là địa điểm trọng tài. Điều này là vì:
· cụm từ “nơi phán quyết được tuyên” (where the award is made) giống với thuật ngữ được sử dụng trong Công Ước New York 1958 về công nhận các phán quyết của trọng tài nước ngoài;
· đề xuất của tổ soạn thảo Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 giải thích rằng địa điểm giải quyết tranh chấp đồng nghĩa với nơi tiến hành phiên trọng tài; và
· Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự Việt Nam 2015 cũng đề cập đến nước nơi phán quyết được tuyên khi xem xét các căn cứ để không công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài. Ví dụ, theo Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự Việt Nam 2015, tòa án Việt Nam có thể không công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài nếu quá trình tố tụng trọng tài liên quan đến phán quyết đó không phù hợp với pháp luật của nước nơi phán quyết được tuyên. Trong trường hợp này, nước nơi phán quyết được tuyên phải là nước có địa điểm trọng tài.
Mặc dù có những lập luận trên, hướng dẫn Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 của Tòa Án Nhân Dân Tối Cao lại cho rằng địa điểm giải quyết tranh chấp là một khái niệm pháp lý chứ không phải là khái niệm địa lý. Điều này dường như cho thấy địa điểm giải quyết tranh chấp cũng có thể là địa điểm trọng tài.
Bài viết được thực hiện bởi Nguyễn Quang Vũ.