Có thể thế chấp một dự án đầu tư theo pháp luật Việt Nam hay không?

Câu trả lời là “có” với một số điều kiện nhất định. Việc thế chấp dự án đầu tư theo pháp luật Việt Nam có thể thực hiện được vì:

·         Luật Đầu Tư 2020 cho phép nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần của dự án đầu tư. Và Nghị Định 31/2021 thi hành Luật Đầu Tư 2020 quy định rõ về thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư do xử lý biện pháp bảo đảm bao gồm cả thế chấp.

·         Nghị Định 21/2021 về giao dịch bảo đảm quy định rõ ràng rằng chủ đầu tư của một dự án đầu tư có thể thế chấp dự án đầu tư trừ trường hợp dự án đầu tư đó bị cấm chuyển nhượng theo các quy định về đầu tư. Nghị Định 99/2022 về đăng ký biện pháp bảo đảm cũng quy định về các thủ tục cụ thể để đăng ký thế chấp đối với dự án đầu tư có sử dụng đất như dự án nhà ở, các công trình xây dựng khác, nông nghiệp và phát triển rừng.

·         Trên thực tế, việc ngân hàng nhận thế chấp các dự án đầu tư diễn ra khá phổ biến.

Tuy nhiên, có một điều kiện về lý thuyết đối với câu trả lời ở trên mà xuất phát từ bản chất pháp lý của dự án đầu tư. Theo Bộ Luật Dân Sự 2015, một dự án đầu tư trước hết phải là một loại tài sản để có thể thế chấp hoặc được sử dụng để đảm bảo cho một nghĩa vụ. Tài sản theo Bộ Luật Dân Sự 2015 bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Nếu một dự án đầu tư không đáp ứng điều kiện là một tài sản thì về lý thuyết, dự án đầu tư đó không thể thế chấp.

Luật Đầu Tư 2020 định nghĩa dự án đầu tư là “tập hợp đề xuất” bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể và trong khoảng thời gian xác định. Như vậy, xét về bản chất, dự án đầu tư không phải là vật và cũng không phải là giấy tờ có giá. Thêm vào đó, cũng khó có thể nói rằng tập hợp đề xuất có thể được coi là quyền tài sản. Trên thực tế, Nghị Định 21/2021 dường như có sự phân biệt giữa dự án đầu tư và quyền tài sản phát sinh từ dự án đầu tư (ví dụ: quyền quản lý hoặc phát triển dự án đầu tư).

Bài viết này được thực hiện bởi Nguyễn Quang Vũ.