Quyền của cổ đông trong thời gian 90 ngày đầu tiên sau khi thành lập công ty cổ phần

Sau khi thành lập một công ty cổ phần (CTCP), các cổ đông sáng lập của CTCP thường có 90 ngày kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp (Thời Gian Góp Vốn) để thanh toán cho cổ phần mà họ đã đăng ký mua lúc thành lập CTCP (Cổ Phần Đăng Ký Mua). Theo Luật Doanh Nghiệp 2020, có thể hiểu rằng các cổ đông sáng lập chưa thanh toán đầy đủ cho số Cổ Phần Đăng Ký Mua sẽ có đầy đủ quyền của cổ đông bao gồm quyền chuyển nhượng các Cổ Phần Đăng Ký Mua chưa được thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên, một số quy định của của Luật Doanh Nghiệp 2020 có thể dẫn đến cách hiểu rằng trong Thời Gian Góp Vốn, cổ đông sáng lập chỉ có quyền bỏ phiếu.       

Sự không rõ ràng này phát sinh từ hai quy định tại Điều 113 Luật Doanh Nghiệp 2020:

·         Điều 113.5 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định rằng người góp vốn trở thành cổ đông của CTCP kể từ thời điểm (i) người đó đã thanh toán đầy đủ các Cổ Phần Đăng Ký Mua và (ii) thông tin của người đó được ghi vào sổ đăng ký cổ đông, trừ trường hợp được quy định tại Điều 113.2 Luật Doanh Nghiệp 2020; và

·         Điều 113.2 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định rằng trong Thời Gian Góp Vốn, số phiếu biểu quyết của các cổ đông được tính theo số cổ phần phổ thông đã được đăng ký mua.

Khi đọc hai quy định này, có thể hiểu rằng cổ đông sáng lập chưa thanh toán đầy đủ các Cổ Phần Đăng Ký Mua trong Thời Gian Góp Vốn sẽ không được coi là cổ đông theo Điều 113.5 Luật Doanh Nghiệp 2020, và do đó không có các quyền của cổ đông (bao gồm quyền biểu quyết), trừ các quyền của cổ đông mà cổ đông sáng lập được hưởng theo Điều 113.2 Luật Doanh Nghiệp 2020. Do Điều 113.2 Luật Doanh Nghiệp 2020 chỉ nói về quyền biểu quyết, nên có thể hiểu rằng quyền biểu quyết là quyền duy nhất mà cổ đông sáng lập được hưởng.

Cách hiểu đó không phù hợp với các giả định được ngầm định trong các quy định khác của Điều 113 Luật Doanh Nghiệp 2020 và cơ chế hoạt động của CTCP được quy định trong các phần khác của Luật Doanh Nghiệp 2020. Giả định được nói đến là trong Thời Gian Góp Vốn, cổ đông sáng lập có tất cả các quyền của cổ đông mặc dù họ có thể chưa thanh toán đầy đủ cho các Cổ Phần Đăng Ký Mua. Giả định đó có thể được suy ra từ các quy định sau:

·         Bản thân Điều 113.2 Luật Doanh Nghiệp 2020 dùng từ “cổ đông” mà không dung cụm từ “người góp vốn”để chỉ các cổ đông sáng lập, nên có thể lập luận rằng (i) Điều 113.2 Luật Doanh Nghiệp 2020 ám chỉ rằng trong Thời Gian Góp Vốn, cổ đông sáng lập vẫn được coi là cổ đông mặc dù họ chưa thanh toán đầy đủ các Cổ Phần Đăng Ký Mua và (ii) việc Điều 113.2 Luật Doanh Nghiệp 2020 chỉ nhắc tới quyền biểu quyết không giới hạn các quyền mà cổ đông sáng lập được hưởng trong Thời Gian Góp Vốn;

·         Điều 113.4 Luật Doanh Nghiệp 2020 yêu cầu các cổ đông sáng lập mà chưa thanh toán đầy đủ cho các Cổ Phần Đăng Ký Mua chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính của CTCP tương ứng với tổng mệnh giá của các Cổ Phần Đăng Ký Mua cho đến khi vốn điều lệ của CTCP được đăng ký giảm xuống do các Cổ Phần Đăng Ký Mua chưa được thanh toán đầy đủ. Việc quy định này buộc cổ đông sáng lập chịu nghĩa vụ tài chính của CTCP theo tổng mệnh giá của các Cổ Phần Đăng Ký Mua (bao gồm cả Cổ Phần Đăng Ký Mua chưa được thanh toán đầy đủ) ám chỉ rằng cổ đông sáng lập được coi là đã thanh toán đầy đủ cho các Cổ Phần Đăng Ký Mua, và theo đó, được coi là cổ đông và có đầy đủ quyền cổ đông trong thời gian đó;

·         có điều thú vị là trong Điều 47.2 và 47.5 Luật Doanh Nghiệp 2020, thành viên sáng lập của một công ty trách nhiệm hữu hạn được gọi là thành viên và có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của thành viên (không chỉ quyền biểu quyết) tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết.

Bài viết này được thực hiện bởi Hà Thanh Phúc và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.