Hậu Quả Của Việc Vi Phạm Cam Đoan Và Bảo Đảm Theo Pháp Luật Việt Nam
Giới thiệu
Như đã trình bày chi tiết ở bài viết trước, theo quan điểm của chúng tôi, các cam đoan và bảo đảm (bảo đảm) nên cấu thành nghĩa vụ của người đưa ra các cam đoan và bảo đảm đó theo pháp luật Việt Nam. Các cam đoan và bảo đảm có thể hàm ý nghĩa vụ của người đưa ra chúng (Người Bảo Đảm) đảm bảo rằng các dữ kiện và vấn đề đã nêu là đúng sự thật. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ thử xem xét hậu quả của việc vi phạm các cam đoan và bảo đảm theo pháp luật Việt Nam. Như được bàn luận kỹ hơn bên dưới, tùy thuộc vào ngữ cảnh, việc vi phạm bảo đảm có thể dẫn đến:
· trách nhiệm pháp lý do vi phạm bảo đảm như là nghĩa vụ độc lập; hoặc
· trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ giao hàng hóa phù hợp; hoặc
· trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin cho các bên trong hợp đồng; hoặc
· Bồi thường (hoặc bồi hoàn) các tổn thất trong phạm vi các bên đã thỏa thuận về việc bồi thường (hoặc bồi hoàn) các tổn thất phát sinh do vi phạm bảo đảm.
Do “cam đoan và bảo đảm” là những khái niệm riêng theo thông luật (common law) và không có khung pháp lý cụ thể nào được quy định trong pháp luật Việt Nam, nên điều quan trọng là hợp đồng theo pháp luật Việt Nam phải có các điều khoản giải quyết vấn đề trên để đạt được kết quả mong muốn của các bên.
Có lẽ, dựa trên phân tích bên dưới, cách tiếp cận thích hợp hơn là đưa vào các quy định cụ thể trong hợp đồng mua bán cổ phần rằng các bảo đảm tạo thành một phần của mô tả và chất lượng của cổ phần bán để, trong số những điều khác, bên bán có thể phải chịu các biện pháp khắc phục áp dụng đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ giao hàng hóa phù hợp.
Trách nhiệm do vi phạm bảo đảm như vi phạm nghĩa vụ độc lập
Bảo đảm có thể cấu thành nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam. Theo đó, về cơ bản, việc vi phạm bảo đảm là vi phạm nghĩa vụ và làm phát sinh trách nhiệm pháp lý đối với bên bán. Tuy nhiên, nếu coi bảo đảm là nghĩa vụ độc lập thì chưa rõ cách xác định thiệt hại phát sinh do vi phạm bảo đảm theo pháp luật Việt Nam. Để giảm thiểu vấn đề này, các bên có thể cần phải thỏa thuận về những gì sẽ được coi là thiệt hại nếu có vi phạm bảo đảm.
Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ giao hàng hóa phù hợp
Theo Luật Thương mại Việt Nam 2005, việc bán cổ phần có thể được coi là bán “hàng hóa”. Theo đó, bên bán cổ phần trong công ty sẽ có nghĩa vụ giao hàng hóa cho bên mua theo đúng thỏa thuận của các bên về chất lượng, số lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các vấn đề khác. Luật Thương Mại 2005 và Bộ Luật Dân Sự 2015 cũng quy định chi tiết các biện pháp khắc phục trong trường hợp hàng hóa không phù hợp với chất lượng, đặc điểm đã thỏa thuận.
Mặc dù các yêu cầu trên phù hợp hơn với hàng hóa thông thường nhưng chúng vẫn có thể áp dụng đối với cổ phần trong một công ty. Tuy nhiên, pháp luật không quy định rõ điều gì có thể cấu thành “chất lượng, số lượng và các vấn đề khác” của hàng hóa theo hợp đồng mua bán cổ phần.
Các bảo đảm về tình trạng và điều kiện của một công ty có tác động đáng kể đến giá trị của công ty, từ đó quyết định giá trị cổ phần của công ty đó theo hợp đồng mua bán cổ phần. Theo đó, một cách logic thì các bảo đảm trong hợp đồng mua bán cổ phần phải cấu thành chất lượng của cổ phần đó. Mặc dù vậy, người ta vẫn có thể lập luận rằng chỉ có mệnh giá, số lượng cổ phần và các quyền gắn liền với cổ phần liên quan mới cấu thành chất lượng và số lượng hàng hóa theo hợp đồng mua bán cổ phần. Để tránh sự tranh luận tiềm ẩn như vậy, hợp đồng mua bán cổ phần cần có quy định để làm rõ rằng các bảo đảm cấu thành mô tả và chất lượng của cổ phần được chuyển nhượng.
Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin cho các bên trong hợp đồng
Theo Bộ Luật Dân Sự 2015, trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc bên kia chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết. Nếu bên đó không thực hiện mà gây thiệt hại, tổn thất thì phải bồi thường. Theo đó, nếu bên bán vi phạm các bảo đảm, bên mua trong hợp đồng mua bán cổ phần có thể cho rằng bên bán đã không thông báo cho bên mua về các bảo đảm không chính xác và do đó phải bồi thường cho bên mua những mất mát và thiệt hại.
Tuy nhiên, có một số vấn đề với cách tiếp cận này. Đầu tiên, bên mua phải chứng minh rằng bên bán “có thông tin” về việc vi phạm bảo đảm. Điều này có thể không phải lúc nào cũng đúng. Đôi khi, bên bán cũng không biết về việc vi phạm bảo đảm. Thứ hai, ngay cả khi bên mua chứng minh được rằng bên bán “có thông tin” về việc vi phạm bảo đảm và không tiết lộ cho bên mua thì bên mua cũng cần chứng minh được thiệt hại do không tiết lộ thông tin. Theo pháp luật Việt Nam, việc này có thể khó khăn hơn việc chứng minh thiệt hại do không giao hàng hóa phù hợp.
Trách nhiệm bồi thường (hoặc bồi hoàn) tổn thất
Vì bảo đảm không phải là một khái niệm pháp lý theo pháp luật Việt Nam nên việc vi phạm bảo đảm không mặc định dẫn đến nghĩa vụ bồi thường. Mặc dù vậy, điều khoản bồi thường khá phổ biến trong hợp đồng mua bán cổ phần. Điều khoản bồi thường trong hợp đồng mua bán cổ phần có thể được coi là một cam kết theo hợp đồng của bên bán bồi hoàn cho bên mua một số tổn thất và thiệt hại nhất định nếu có vi phạm bảo đảm.
Tuy nhiên, có một mức độ không chắc chắn nhất định về tính hiệu lực và khả năng thực thi của điều khoản bồi thường trong hợp đồng theo pháp luật Việt Nam (xem tại đây và tại đây ).
Bài viết này được thực hiện bởi Nguyễn Thục Anh và Nguyễn Quang Vũ.