Nghị Định Mới Về Thanh Toán Không Dùng Tiền Mặt Ở Việt Nam

Vào ngày 15 tháng 05 năm 2024, Chính phủ đã thông qua một Nghị Định mới quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị Định 52/2024) thay thế cho Nghị Định 101 của Chính phủ ban hành ngày 22 tháng 11 năm 2012 (Nghị Định 101/2012) về thanh toán không dùng tiền mặt, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Bài viết này sẽ giới thiệu một vài điểm thay đổi chính của Nghị Định 52/2024.

Bổ sung ví điện tử là một trong những phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hợp pháp

Nghị Định 52/2024 đưa ra định nghĩa cụ thể về phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm các phương tiện do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, công ty tài chính được phép phát hành thẻ tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng Dịch vụ ví điện tử phát hành và được khách hàng sử dụng nhằm thực hiện giao dịch thanh toán. Thêm vào đó, ví điện tử được bổ sung là một trong những phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có thể cung ứng Dịch vụ ví điện tử. Do sự gia tăng các giao dịch thanh toán bất hợp pháp thông qua ví điện tử (như cờ bạc trực tuyến hoặc lừa đảo), Nghị Định 52/2024 chỉ cho phép khách hàng sử dụng ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ của riêng mình. Quy định này có thể ngăn chặn việc người dân cho thuê hoặc cho mượn danh tính và giấy tờ tùy thân cho những đối tượng vi phạm pháp luật để mở tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử.

Định nghĩa mới về Tiền điện tử

Nghị Định 52/2024 đưa ra một định nghĩa mới về Tiền điện tử (E-money), theo đó:

(i)         Là giá trị Việt Nam đồng;

(ii)        Lưu trữ trên các phương tiện điện tử (như ví điện tử, thẻ trả trước);

(iii)      Cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng Dịch vụ ví điện tử.

Yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với thanh toán ngoại tệ và thanh toán quốc tế

Nghị Định 52/2024 đưa ra các điều kiện cụ thể mới đối với ngân hàng và/hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hệ thống thanh toán quốc tế.

Đối với giao dịch mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam do người không cư trú và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thực hiện, tổ chức nước ngoài không được trực tiếp cung ứng dịch vụ thanh toán và/hoặc dịch vụ thanh toán trung gian cho các giao dịch đó trừ khi thông qua ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tham gia hệ thống thanh toán quốc tế của tổ chức nước ngoài đó.

Đối với giao dịch mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ ngoài lãnh thổ, nhà cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian có thể cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian (trừ dịch vụ chuyển mạch tài chính) cho các giao dịch đó nhưng việc thanh toán và quyết toán cho các giao dịch đó phải được thực hiện thông qua ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoạt động ngoại hối trên thị trường quốc tế.

Các hạn chế mới

So với Nghị Định 101/2012, Nghị Định 52/2024 có phạm vi cấm rộng hơn liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt. Ví dụ:

(i)         Do tội phạm mạng gia tăng, Chính phủ nghiêm cấm mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử; thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh); lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán, thông tin thẻ ngân hàng, thông tin ví điện tử.

(ii)        Để ngăn chặn thanh toán cho hành vi phạm pháp, việc sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác bị nghiêm cấm.

(iii)      Nghị Định 52/2024 cũng cấm tiết lộ trái phép thông tin về số dư tài khoản thanh toán, số dư thẻ ngân hàng, số dư ví điện tử và giao dịch thanh toán của khách hàng tại nhà cung ứng dịch vụ thanh toán và nhà cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian.

Quyền mới của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đối với tài khoản thanh toán

Nghị Định 52/2024 bổ sung quyền của nhà cung ứng dịch vụ thanh toán được từ chối lệnh thanh toán nếu có cơ sở pháp lý xác định rằng chủ tài khoản đã vi phạm các hành vi bị cấm, và được phong toả tài khoản thanh toán nếu có sai sót hoặc lỗi trong việc ghi có vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả của nhà cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do sai sót hoặc lỗi so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền sau khi ghi có vào tài khoản thanh toán của khách hàng.

Điều kiện nghiêm ngặt hơn đối với hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian

Nghị Định 52/2024 đưa ra các điều kiện nghiêm ngặt hơn để được cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian, bao gồm:

(i)         Không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành trong quá trình đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; trường hợp cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, tổ chức phải đảm bảo không kinh doanh ngành nghề khác ngoài hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

(ii)        Có vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu: (a) 50 tỷ đồng đối với Dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ cổng thanh toán điện tử; (b) 300 tỷ đồng đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, dịch vụ bù trừ điện tử;

(i)         Phải có người đại diện pháp luật hoặc tổng giám đốc (giám đốc) có trình độ chuyên môn nhất định;

(ii)        Có Bản thuyết minh giải pháp kỹ thuật phục vụ cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đề nghị cấp Giấy phép được cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ của tổ chức phê duyệt đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 theo quy định của pháp luật; và

(iii)      Các điều kiện cụ thể khác đối với từng loại dịch vụ thanh toán trung gian.

Quy định chuyển tiếp

Nghị Định 52/2024 quy định một số điều khoản chuyển tiếp như sau:

(i)         Các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã tham gia hệ thống thanh toán quốc tế trước ngày 01 tháng 7 năm 2024 (tức là ngày có hiệu lực của Nghị Định 52/2024) được tiếp tục tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế đó nhưng cần phải hoàn thành thủ tục đề nghị chấp thuận tham gia hệ thống thanh toán quốc tế trong vòng 24 tháng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Ngược lại, họ phải ngừng tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế không ghi trong Giấy phép.

(ii)        Các tổ chức được cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính trước ngày 01 tháng 7 năm 2024 và đã kết nối với các hệ thống thanh toán quốc tế có thể được tiếp tục kết nối với các hệ thống thanh toán quốc tế đó nhưng cần phải hoàn thành thủ tục đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế trong vòng 24 tháng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Ngược lại, họ phải chấm dứt kết nối với các hệ thống thanh toán quốc tế không được ghi trong Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế.

(iii)      Các tổ chức được cấp phép cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian trước ngày 01 tháng 7 năm 2024 có thể tiếp tục hoạt động theo Giấy phép của mình cho đến khi hết hạn.

Bài viết này được thực hiện bởi Cao Khánh Linh và biên tập bởi Hoàng Thị Thanh Thùy.