Nghị Định Của Chính Phủ Việt Nam Về Điện Mặt Trời Mái Nhà Tự Sản Xuất Tự Tiêu Thụ: Một Vài Bình Luận
Vào ngày 22 tháng 10 năm 2024, Chính Phủ Việt Nam đã ban hành Nghị Định 135/2024 về cơ chế và chính sách khuyến khích phát triển “điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ” (ĐMTMN TSTT). Đáng tiếc rằng, vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng trong các điều khoản của Nghị Định 135/2024 mà có thể gây ra sự nhầm lẫn không cần thiết trong quá trình áp dụng và quản lý việc triển khai Nghị Định 135/2024. Dưới đây là một số bình luận của chúng tôi về một vài điều khoản còn chưa rõ ràng tại Nghị Định 135/2024.
Rủi ro tiềm ẩn từ phạm vi áp dụng của Nghị Định 135/2024 – Nghị Định 135/2024 chỉ điều chỉnh các hệ thống ĐMTMN TSTT được lắp đặt trên mái của các công trình xây dựng được đầu tư và xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, bao gồm các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, an toàn, phòng cháy chữa cháy. Theo đó, bất kỳ sự vi phạm nào của công trình cơ sở bên dưới có thể khiến hệ thống điện mặt trời mái nhà không được công nhận là hệ thống ĐMTMN TSTT và do đó không thể hưởng các chính sách ưu đãi theo Nghị Định 135/2024.
Không rõ (i) liệu một vi phạm đã được khắc phục trong quá khứ (trước khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN TSTT) có còn khiến công trình bị coi là không “đầu tư và xây dựng theo đúng quy định của pháp luật” và theo đó không thể lắp đặt hệ thống ĐMTMN TSTT trên công trình đó hay không, và (ii) liệu một vi phạm phát sinh sau khi hệ thống ĐMTMN TSTT được lắp đặt và vận hành thì có ảnh hưởng đến việc áp dụng Nghị Định 135/2024 đối với hệ thống đó hay không và hậu quả sẽ là gì.
Người bán sản lượng điện dư từ hệ thống ĐMTMN TSTT có thể khác với chủ sở hữu hệ thống đó – Người bán sản lượng điện dư được định nghĩa theo Nghị Định 135/2024 là chủ sở hữu ĐMTMN TSTT (Chủ Sở Hữu Điện), hoặc tổ chức hoặc cá nhân “tiếp nhận” các quyền và nghĩa vụ của Chủ Sở Hữu Điện theo quy định của pháp luật.
Mặc định, chủ sở hữu hệ thống ĐMTMN TSTT cũng là Chủ Sở Hữu Điện vì điện năng được tạo ra có thể được coi là hoa lợi của hệ thống ĐMTMN TSTT. Tuy nhiên, chủ sở hữu hoa lợi (tức là sản lượng ĐMTMN TSTT dư thừa) có thể khác với chủ sở hữu tài sản tạo ra hoa lợi đó (tức là hệ thống ĐMTMN TSTT), căn cứ vào (i) thỏa thuận giữa các bên hay (ii) theo quy định của pháp luật. Điều này tạo cơ hội cho người phát triển hệ thống ĐMTMN TSTT đàm phán với các bên liên quan về việc ai sẽ là Chủ Sở Hữu Điện (và do đó có quyền bán sản lượng điện dư cho EVN) bằng cách xác định quyền sở hữu điện năng được tạo ra.
Đối tượng áp dụng rộng – Người phát triển, người tiêu thụ và Chủ Sở Hữu Điện có thể là cá nhân hoặc tổ chức, không giới hạn ở pháp nhân. Do đó, quy định này có thể tạo cơ hội cho việc “tiêu thụ tập thể”. Ví dụ về mô hình này như sau: người phát triển hệ thống ĐMTMN TSTT là một nhóm các doanh nghiệp, trong đó chỉ một doanh nghiệp tài trợ vốn cho việc phát triển, và các doanh nghiệp khác trả tiền cho nhà tài trợ đó để sử dụng hệ thống ĐMTMN TSTT dùng chung. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy mô hình này được thử nghiệm trên thực tế.
Các điều khoản mâu thuẫn liên quan đến “sản lượng điện dư” – Nghị Định 135/2024 sử dụng thuật ngữ tổng quát “sản lượng điện dư” làm thuật ngữ viết tắt cho lượng ĐMTMN TSTT còn lại không được phụ tải sử dụng hết và được phát vào hệ thống điện quốc gia. Trong một điều khoản khác, Nghị Định 135/2024 lại quy định rằng những [người phát triển] ĐMTMN TSTT Nối Lưới có thể lựa chọn phát sản lượng điện dư lên hệ thống điện quốc gia hoặc không.
Có thể hiểu một cách hợp lý rằng thuật ngữ “sản lượng điện dư” được sử dụng trong điều khoản thứ hai mang nghĩa tổng quát chứ không phải nghĩa được định nghĩa riêng theo điều khoản trước. Lỗi soạn thảo này có thể tránh được bằng cách sử dụng thuật ngữ viết tắt phù hợp (trong trường hợp này là không sử dụng thuật ngữ mang nghĩa tổng quát để định nghĩa thuật ngữ có nghĩa hẹp hơn).
Ý nghĩa không rõ ràng của “không giới hạn công suất” – Nghị Định 135/2024 quy định rằng các tổ chức và cá nhân được phép phát triển ĐMTMN TSTT “không giới hạn công suất” nếu hệ thống ĐMTMN TSTT (i) không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, (ii) được lắp đặt thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia, hoặc (iii) được phát triển bởi hộ gia đình hoặc nhà ở riêng lẻ và có công suất dưới 100 kW.
Tuy nhiên, Nghị Định 135/2024 không làm rõ liệu “không giới hạn công suất” đề cập đến (i) hạn ngạch công suất tối đa của tất cả các hệ thống ĐMTMN TSTT trong một khu vực nhất định trong, một khoảng thời gian nhất định; hay (ii) công suất lắp đặt của một hệ thống ĐMTMN TSTT riêng lẻ; hay (iii) cả hai; hay (iv) điều gì khác. Dựa trên Điều 8.1(c) và 8.7 của Nghị Định 135/2024, chúng tôi thấy rằng thuật ngữ “không giới hạn công suất” ít nhất phải mang nghĩa là được miễn trừ khỏi hạn ngạch công suất tại quy hoạch hoặc kế hoạch thực hiện quy hoạch có liên quan.
Cách diễn đạt mơ hồ liên quan đến yêu cầu về quy hoạch đối với ĐMTMN TSTT không nối lưới – Nghị Định 135/2024 không có điều khoản nào yêu cầu ĐMTMN TSTT không nối lưới phải tuân thủ quy hoạch điện, ngoại trừ Điều 23.6 trong đó quy định rằng người phát triển ĐMTMN TSTT có nghĩa vụ phối hợp với đơn vị điện lực địa phương để thực hiện tuân thủ quy mô công suất được phân bổ cho địa phương đó theo quy hoạch hoặc kế hoạch thực hiện quy hoạch trước khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN TSTT.
Do đó, không rõ liệu Điều 23.6 có ý định bao gồm tất cả các loại ĐMTMN TSTT hay chỉ các loại ĐMTMN TSTT mà có quy định cụ thể yêu cầu phải tuân thủ quy hoạch (ví dụ, ĐMTMN TSTT nối lưới). Chúng tôi thấy rằng cách giải thích thứ hai hợp lý hơn và nhất quán với các điều khoản khác của Nghị Định 135/2024.
Trên thực tế, một người có thể dựa vào các hướng dẫn hoặc tuyên bố không chính thức của các quan chức nhà nước để đưa ra suy luận hợp lý về ý nghĩa của các câu chữ mơ hồ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng mức độ mơ hồ và phức tạp này không nên tồn tại trong một văn bản pháp luật mà có thể ảnh hưởng đến rất nhiều cá nhân và gia đình (ví dụ, 80% hệ thống được lắp đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2021 đến tháng 7 năm 2023 được lắp đặt tại hộ gia đình), những người thường không am hiểu về pháp luật và thường ít tham khảo tư vấn pháp lý.
Bài viết này được viết bởi Lê Thanh Nhật và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.