Giải Quyết Vấn Đề Dân Sự Trong Vụ Án Hình Sự Tại Việt Nam – Đánh Giá Một Số Trường Hợp Thực Tiễn

Trong một vụ án hình sự liên quan đến kinh doanh thương mại, tùy vào từng thời điểm, tòa án sẽ cần giải quyết vấn đề dân sự của bị cáo cũng như các bên liên quan khác, bao gồm cả những người không biết về hành vi phạm tội liên quan đến vụ án. Ví dụ, nếu A lừa đảo B và dùng số tiền chiếm đoạt được từ B để trả nợ cho C – người không biết về hành vi phạm tội của A, thì ngoài việc quyết định A có tội hay không, tòa án còn phải xem xét: (1) yêu cầu A bồi thường thiệt hại cho B hay (2) yêu cầu C hoàn trả số tiền đã nhận từ A cho B (giả định rằng A bị kết tội). Tuy nhiên, có vẻ như tòa án chưa có một cách tiếp cận nhất quán trong những trường hợp như vậy. Trong bài viết này, chúng tôi phân tích các phương pháp tiếp cận mà tòa án đã áp dụng trong một số vụ án hình sự quan trọng trong thập kỷ qua.

Vụ án Huyền Như – 2014

Huỳnh Thị Huyền Như là trưởng một phòng giao dịch của Vietinbank (một ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước). Huyền Như đã đưa ra mức lãi suất huy động vốn cao (vượt trần lãi suất theo quy định của pháp luật) để thu hút nhiều công ty gửi tiền vào một chi nhánh của Vietinbank. Sau khi các công ty này gửi tiền theo hướng dẫn của Huyền Như, Như đã sử dụng tài liệu giả và phê duyệt lệnh chuyển tiền để khiến Vietinbank chuyển số tiền này vào các tài khoản do Như kiểm soát. Huyền Như dùng hầu hết số tiền chiếm đoạt được để trả nợ cho nhiều cá nhân khác. Tổng thiệt hại do hành vi lừa đảo của Huyền Như gây ra được báo cáo lên đến khoảng 4.000 tỷ đồng (khoảng 200 triệu USD vào thời điểm đó), trở thành vụ lừa đảo ngân hàng lớn nhất tại thời điểm đó.

Ngoài việc tuyên án Huyền Như về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tòa án cũng buộc Huyền Như phải bồi thường cho các công ty bị thiệt hại. Các công ty này lập luận rằng Huyền Như không trực tiếp chiếm đoạt tài sản từ họ mà chiếm đoạt tài sản từ Vietinbank một cách trái phép, Vietinbank mới là bị hại của hành vi lừa đảo của Huyền Như. Do đó, các công ty này yêu cầu Vietinbank hoàn trả lại số tiền đã gửi cho họ. Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ quan điểm này và xác định rằng chính các công ty này là nạn nhân của hành vi lừa đảo của Huyền Như. Tòa án cũng quyết định tịch thu số tiền lãi mà Huyền Như đã trả cho các bên cho vay nhưng không yêu cầu những người này hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận được từ Huyền Như.

Vụ Án Phan Sào Nam – 2018

Phan Sào Nam đã lập một hệ thống đánh bạc trực tuyến quy mô lớn tại Việt Nam. Hệ thống đánh bạc này sử dụng thẻ cào điện thoại trả trước do các nhà mạng phát hành làm phương tiện thanh toán. Để quy đổi số tiền trong thẻ cào thành tiền mặt, Phan Sào Nam và đồng phạm đã lập ra nhiều công ty, bán thẻ cào cho các đối tác trung gian (Đối Tác F1), sau đó các Đối Tác F1 này tiếp tục bán lại cho các nhà mạng viễn thông (Đối Tác F2). Ngoài ra, Phan Sào Nam cũng có thanh toán chi phí dịch vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ như internet hoặc trung tâm dữ liệu (Đối Tác F1). Trong vụ Phan Sào Nam, tòa án đã quyết định tịch thu hầu hết số tiền mà các Đối Tác F1 nhận được từ các công ty liên kết với Phan Sào Nam với lý do đây là khoản thu lợi bất chính. Đối với các Đối Tác F2, tòa án chỉ tịch thu một phần số tiền họ nhận được với lý do đây là khoản thu lợi không có căn cứ pháp luật

Vụ Án Tân Hoàng Minh - 2024

Trong vụ Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng là cổ đông kiểm soát của Công Ty Tân Hoàng Minh. Ông Dũng đã sử dụng Tân Hoàng Minh và một số công ty liên quan được kiểm soát mà ông kiểm soát để phát hành và bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, các công ty phát hành trái phiếu này không đáp ứng đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo quy định pháp luật. Do đó, ông Đỗ Anh Dũng bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan đến hành vi phạm tội này, tòa án đã yêu cầu ông Đỗ Anh Dũng bồi thường cho các nhà đầu tư đã mua trái phiếu do Tân Hoàng Minh và các công ty liên quan phát hành.

Vụ Án Vạn Thịnh Phát – 2024

Trong vụ Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan là cổ đông kiểm soát của Công Ty Vạn Thịnh Phát và Ngân Hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Tòa án xác định rằng bà Trương Mỹ Lan đã rút trái phép khoảng 670.000 tỷ đồng từ SCB. Do đó, bà bị kết án về tội tham ô tài sản và bị buộc phải bồi thường cho SCB, vì tòa án xác định rằng SCB là nạn nhân của hành vi phạm tội này.

Bài viết được thực hiện bởi Nguyễn Quang Vũ.