NHỮNG SỬA ĐỔI MỚI ĐỐI VỚI LUẬT ĐẦU TƯ 2020

Quốc Hội Việt Nam đã thông qua một luật mới (Luật Đầu Tư Sửa Đổi) để sửa đổi và bổ sung một số điều khoản của Luật Đầu Tư 2020. Hầu hết các quy định của Luật Đầu Tư Sửa Đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, trừ một số trường hợp sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2025. Bài viết này sẽ thảo luận về một số điểm đáng chú ý của Luật Đầu Tư Sửa Đổi.

Thủ Tục Đầu Tư Đặc biệt

Điểm mấu chốt trong Luật Đầu Tư Sửa Đổi lần này là quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt (Thủ Tục Đặc Biệt) cho phép các nhà đầu tư đủ điều kiện trong một số lĩnh vực công nghệ cao có thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) và thực hiện dự án của mình trong thời gian ngắn hơn và giảm bớt các thủ tục, bao gồm việc miễn trừ nhiều loại chấp thuận và thủ tục khác.  

Dự án áp dụng Thủ Tục Đặc Biệt được miễn trừ nhiều loại chấp thuận và thủ tục, bao gồm chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định công nghệ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết, cấp giấy phép xây dựng và các chấp thuận, cho phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy. GCNĐKĐT được cấp là cơ sở cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, trước khi khởi công xây dựng, nhà đầu tư có nghĩa vụ gửi Cơ Quan Nhà Nước có thẩm quyền báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của dự án, kèm theo báo cáo kết quả thẩm tra tương ứng.  

Trường hợp có sự khác nhau giữa Thủ Tục Đặc Biệt và quy định có liên quan tại các luật khác được ban hành trước ngày 15 tháng 1 năm 2025 thì Thủ Tục Đặc Biệt này được ưu tiên áp dụng. Đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp GCNĐKĐT trước ngày Luật Đầu Tư Sửa Đổi có hiệu lực thi hành và đủ điều kiện để áp dụng Thủ Tục Đặc Biệt thì nhà đầu tư của dự án đó có thể lựa chọn áp dụng Thủ Tục Đặc Biệt. Thủ Tục Đặc Biệt sẽ được Chính Phủ và Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư quy định chi tiết thêm.  

Dự án đủ điều kiện áp dụng Thủ Tục Đặc Biệt

Một dự án đầu tư có thể áp dụng Thủ Tục Đặc Biệt nếu dự án đó đáp ứng tất cả các tiêu chí sau:

  • Dự án thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư (Chấp Thuận Chủ Trương), trừ các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận của Quốc Hội;  

  • Dự án được thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế; và

  • Dự án đầu tư vào một số lĩnh vực nhất định.  

Các lĩnh vực được phép bao gồm:

  • đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn; hoặc  

  • đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ Tướng Chính Phủ.  

Hồ sơ và thủ tục đối với các dự án đủ điều kiện

Hồ sơ đề nghị cấp GCNĐKĐT đối với dự án áp dụng Thủ Tục Đặc Biệt tương tự như hồ sơ xin Chấp Thuận Chủ Trương theo Điều 33 của Luật Đầu Tư 2020. Hồ sơ này thông thường bao gồm văn bản đề nghị và đề xuất thực hiện dự án, tài liệu chứng minh tư cách pháp lý và năng lực tài chính của nhà đầu tư, và tài liệu liên quan đến quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án. Điểm khác biệt trong hồ sơ là nhà đầu tư áp dụng Thủ Tục Đặc Biệt phải cam kết đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn và quy chuẩn về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, thay vì báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ, đề xuất dự án đầu tư phải bao gồm nhận dạng và dự báo tác động đến môi trường và biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.  

Hồ sơ đăng ký sẽ được nộp cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (Cơ Quan Nhà Nước), và Cơ Quan Nhà Nước sẽ cấp GCNĐKĐT cho dự án trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.  

Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập công ty con tại Việt Nam trước khi nộp hồ sơ đăng ký đầu tư theo Thủ Tục Đặc Biệt.  

Thẩm quyền Chấp Thuận Chủ Trương

Thẩm quyền Chấp Thuận Chủ Trương của các dự án sau đây được chuyển từ Thủ Tướng Chính Phủ sang Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh: (1) dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; và (2) dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt.  

Ngừng và chấm dứt hoạt động dự án

Luật Đầu Tư Sửa Đổi điều chỉnh quy định về ngừng hoạt động dự án và bổ sung thêm căn cứ chấm dứt hoạt động dự án liên quan đến việc chậm tiến độ thực hiện dự án, cụ thể:

·        Trước đây, hoạt động của dự án có thể bị ngừng nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung Chấp Thuận Chủ Trương hoặc GCNĐKĐT và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm. Quy định cũ này bao gồm cả trường hợp nhà đầu tư không tuân thủ tiến độ tại Chấp Thuận Chủ Trương hoặc GCNĐKĐT. Luật Đầu Tư Sửa Đổi đã loại bỏ căn cứ này khỏi quy định về ngừng hoạt động dự án.  

·        Một trường hợp chấm dứt hoạt động dự án mới đã được bổ sung vào Luật Đầu Tư Sửa Đổi. Cơ quan có thẩm quyền có thể chấm dứt một phần hoặc toàn bộ hoạt động của dự án trong trường hợp nhà đầu tư không hoàn thành mục tiêu hoạt động đã nêu trong Chấp Thuận Chủ Trương hoặc GCNĐKĐT trong thời hạn 24 tháng kể từ thời điểm kết thúc tiến độ thực hiện mục tiêu ban đầu quy định tại Chấp Thuận Chủ Trương hoặc GCNĐKĐT. Quy định này không áp dụng đối với (a) trường hợp dự án đủ điều kiện được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, và (b) trường hợp thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với các dự án đã được Chấp Thuận Chủ Trương hoặc cấp GCNĐKĐT trước ngày Luật Đầu Tư Sửa Đổi có hiệu lực thi hành và thời điểm kết thúc tiến độ thực hiện mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án trước ngày 15 tháng 1 năm 2025, thì thời hạn 24 tháng nêu trên sẽ được tính từ ngày 15 tháng 1 năm 2025.  

Bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Luật Đầu Tư Sửa Đổi đã bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh mới vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, có hiệu lực áp dụng từ ngày 1 tháng 7 năm 2025, bao gồm:

  • nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác;  

  • kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác;  

  • nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác;  

  • kinh doanh sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu;  

  • kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu; và  

  • kinh doanh dịch vụ sàn dữ liệu.  

Bài viết này được thực hiện bởi Lê Minh Thùy và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.