Nghị Định của Chính Phủ Việt Nam về Điện Mặt Trời Mái Nhà Tự Sản Xuất, Tự Tiêu Thụ: Một số bình luận (Phần 2)

Dựa trên phân tích trước đây của chúng tôi về Nghị Định 135/2024, chúng tôi tiếp tục có những nhận định bổ sung liên quan đến sự thiếu rõ ràng của Nghị Định này. Bài viết này được thực hiện bởi Lê Thanh Nhật.

Trước hết, Nghị Định không đưa ra một định nghĩa rõ ràng về “điện mặt trời mái nhà tự sản xuất và tự tiêu thụ” (ĐMTMN TSTT). Đây là một điểm quan trọng bởi chỉ có phần điện dư thừa từ các hệ thống ĐMTMN TSTT mới được bán cho EVN, đơn vị cung cấp điện quốc gia của Việt Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc là Nghị Định 135/2024 chỉ đưa ra định nghĩa “điện tự sản xuất và tự tiêu thụ” và “điện mặt trời mái nhà” (có thể lập luận rằng đây là hai yếu tố cấu thành định nghĩa ĐMTMN TSTT) một cách tách bạch và mơ hồ, mà không làm rõ cách thức hai khái niệm này được tích hợp và triển khai trong thực tế.

Các quy định của Nghị Định 135/2024

Bình luận

Điện tự sản xuất và tự tiêu thụ là điện được sản xuất và tiêu thụ do tổ chức hoặc cá nhân thực hiện để phục vụ chính cho nhu cầu của tổ chức, cá nhân đó.  

 

Việc người soạn thảo sử dụng sai ngữ pháp từ “thực hiện” trong định nghĩa này , theo quan điểm của chúng tôi, có ý nhằm nhấn mạnh rằng cả hai hành vi sản xuất và tiêu thụ điện đều do một tổ chức hoặc cá nhân “thực hiện”.

Mặc dù vậy, định nghĩa này không làm rõ ai sẽ được xem là chủ thể “thực hiện” hành vi sản xuất điện: chủ sở hữu hay đơn vị vận hành hệ thống phát điện (tức là hệ thống điện mặt trời mái nhà).

Điện mặt trời mái nhà là điện được sản xuất từ các tấm quang điện theo nguyên lý biến đổi từ quang năng thành điện năng, thông qua kết cấu xây dựng với mục đích lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng, kết nối với thiết bị điện và phục vụ trực tiếp hoạt động phát điện.

Đây có vẻ là một định nghĩa gián tiếp của hệ thống điện mặt trời mái nhà (tức là một hệ thống gồm các tấm quang điện thông qua kết cấu xây dựng với mục đích lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng, kết nối với thiết bị điện và phục vụ trực tiếp hoạt động phát điện).

Tuy nhiên, Nghị Định 135/2024 không quy định ai sẽ là chủ sở hữu của hệ thống này.

Ngoài ra, Nghị Định 135/2024 quy định về hai loại ĐMTMN TSTT: loại có đấu nối với hệ thống điện quốc gia và loại không đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Cả hai định nghĩa này đều tập trung vào trạng thái đấu nối của hệ thống với hệ thống điện quốc gia nhưng chưa làm rõ khía cạnh “tự sản xuất và tự tiêu thụ”.

Các quy định của Nghị Định 135/2024

Bình luận

Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia (ĐMTMN TSTT Nối Lưới) là điện mặt trời mái nhà để sản xuất, cung cấp điện cho phụ tải tại chỗ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia hoặc cung cấp điện cho phụ tải tại chỗ có liên kết vật lý với hệ thống điện quốc gia.

Do hai hệ thống này được phân biệt dựa trên việc có đấu nối với hệ thống điện quốc gia hay không, do đó ngôn từ chung trong định nghĩa của hai hệ thống này đáng lẽ có thể được sử dụng để diễn giải ĐMTMN TSTT.

Tuy nhiên, vì ngôn từ chung là “điện mặt trời mái nhà để sản xuất, cung cấp điện cho phụ tải [tại một địa điểm nhất định]”, có thể thấy rằng các định nghĩa này hoàn toàn bỏ sót khía cạnh “tự sản xuất và tự tiêu thụ” của thuật ngữ được định nghĩa, khiến chúng không hữu ích trong việc xác định ĐMTMN TSTT là gì.

Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không đấu nối với hệ thống điện quốc gia (ĐMTMN TSTT Không Nối Lưới) là điện mặt trời mái nhà để sản xuất, cung cấp điện cho phụ tải tại chỗ không đấu nối với hệ thống điện quốc gia và cung cấp điện cho phụ tải tại chỗ không liên kết vật lý với hệ thống điện quốc gia.

Bằng cách kết hợp các định nghĩa “điện tự sản xuất, tự tiêu thụ” và “điện mặt trời mái nhà” (mà định nghĩa này nên được chuyển thành định nghĩa của “hệ thống điện mặt trời mái nhà”), có thể suy ra một định nghĩa giả định về ĐMTMN TSTT như sau:

“Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ là điện được một tổ chức hoặc cá nhân sản xuất từ một [hệ thống điện mặt trời mái nhà] và được chính tổ chức hoặc cá nhân đó tiêu thụ, chủ yếu phục vụ nhu cầu của tổ chức hoặc cá nhân đó.”

Tuy nhiên, định nghĩa giả định này vẫn kế thừa những điểm chưa rõ ràng của Nghị Định trong các định nghĩa ‘cấu phần’ như đã thảo luận ở trên.

­­­­­­­­­­_____

Một vấn đề quan trọng khác là sự không rõ ràng về đối tượng áp dụng của yêu cầu đăng ký phát triển ĐMTMN TSTT Nối Lưới. Trong khi Điều 7.1 quy định về nghĩa vụ thông báo hoặc đăng ký đối với chủ đầu tư ĐMTMN TSTT Nối Lưới, thì Điều 11 chỉ đơn thuần quy định rằng các chủ đầu tư ĐMTMN TSTT Nối Lưới phải lập hồ sơ đăng ký phát triển ĐMTMN TSTT Nối Lưới. Quy định mâu thuẫn dẫn đến những cách hiểu khác nhau về các quy định chi tiết liên quan đến nghĩa vụ thông báo và đăng ký. Cụ thể:

  • Các Điều 7.5 và 7.6 đặt ra yêu cầu thông báo đối với hệ thống có công suất dưới 1.000 kW; và

  • Điều 9.2 quy định điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký phát triển là phải tuân thủ Điều 9.3, trong đó quy định một số yêu cầu đối với hệ thống có công suất từ 1.000 kW trở lên.

Dựa trên cách diễn đạt của Điều 7.1, có thể suy luận rằng chủ đầu tư ĐMTMN TSTT Nối Lưới sẽ phải tuân thủ nghĩa vụ thông báo nếu hệ thống của họ có công suất dưới 1.000 kW, và phải tuân thủ nghĩa vụ đăng ký nếu hệ thống của họ có công suất từ 1.000 kW trở lên.

Ngược lại, dựa trên cách diễn đạt của Điều 11, có thể suy luận rằng tất cả các chủ đầu tư ĐMTMN TSTT Nối Lưới đều phải đăng ký phát triển bất kể công suất hệ thống, và họ (i) phải tuân thủ nghĩa vụ thông báo theo Điều 7.5 và 7.6 nếu hệ thống có công suất dưới 1.000 kW; hoặc (ii) phải đáp ứng các yêu cầu theo Điều 9.3 nếu hệ thống có công suất từ 1.000 kW trở lên.

Báo Cáo số 262/BC-BCT ngày 14 tháng 10 năm 2024 của Bộ Công Thương liên quan đến quá trình soạn thảo Nghị Định 135/2024 (Báo Cáo 262/2024) cho thấy rằng cách hiểu thứ nhất có thể phù hợp hơn với ý định của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, do bản chính thức của Nghị Định 135/2024 có cách diễn đạt khác so với những đề xuất trong Mục II.3 của Báo Cáo 262/2024 (tài liệu này không có hiệu lực pháp lý), chúng tôi không chắc liệu ý định của cơ quan soạn thảo về yêu cầu đăng ký phát triển có còn giữ nguyên như vậy trong bản thảo chính thức và cuối cùng của Nghị Định 135/2024 hay không.