Việt Nam Hoàn Thiện Khung Pháp Lý Cho Hợp Đồng Mua Bán Điện Trực Tiếp Với Nghị Định 57/2025
Sau khi ban hành Luật Điện Lực 2024, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng thay thế khung pháp lý ban đầu về Hợp đồng Mua bán điện trực tiếp (DPPA) theo Nghị Định 80/2024 bằng việc ban hành Nghị Định 57/2025 vào ngày 3 tháng 3 năm 2025. Nghị Định 57/2025 có hiệu lực ngay lập tức, bãi bỏ Nghị Định 80/2024, vốn mới chỉ có hiệu lực từ ngày 3 tháng 7 năm 2024. Nghị Định 57/2025 phần lớn giữ nguyên hai mô hình DPPA đã được quy định trong Nghị Định 80/2024, bao gồm: (i) Cơ chế mua bán điện thông qua lưới điện kết nối riêng (DPPA Lưới Điện Riêng) và (2) Cơ chế mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện quốc gia (DPPA Nối Lưới Điện Quốc Gia), tuy nhiên, Nghị Định cũng đã đưa ra những sửa đổi quan trọng liên quan đến điều kiện tham gia, cơ chế giá điện và các nội dung chi tiết trong hợp đồng. Những điểm thay đổi đáng chú ý bao gồm:
· Điều Kiện Tham Gia Linh Hoạt Đối Với Khách Hàng – Nghị Định 57/2025 quy định điều kiện tham gia (tại thời điểm trước khi tham gia và trong quá trình tham gia) của khách hàng mua điện dựa trên mức tiêu thụ tối thiểu (MTTTT) được quy định tại Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương (BCT) ban hành. Trong khi đó, Nghị Định 80/2024 áp dụng mức tiêu thụ cố định (trung bình ≥ 200.000 kWh/tháng). Theo đó, điều kiện tham gia các cơ chế mua bán điện trực tiếp hiện nay phụ thuộc vào Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh thay vì một con số cố định, và như vậy, các bên tham gia cơ chế DPPA cần thường xuyên theo dõi các quy định của Bộ Công Thương.
· Điều Kiện Tham Gia Nghiêm Ngặt Hơn Đối Với Khách Hàng – Một Khách Hàng Sử Dụng Điện Lớn đã tham gia cơ chế DPPA hơn 12 tháng phải bảo đảm rằng trong năm dương lịch đã mua từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam MTTTT trong giai đoạn 12 tháng kết thúc vào ngày 31 tháng 10 của năm trước đó. Theo quy định tại Nghị Định 80/2024, không có yêu cầu về việc mua MTTTT từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu yêu cầu này có được áp dụng đối với DPPA Lưới Điện Riêng hay không, theo đó khách hàng mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện năng lượng tái tạo.
· Giá Trần Đối Với Cơ Chế DPPA Tư Nhân – Nghị Định 57/2025 quy định giá điện theo thỏa thuận trong DPPA Lưới Điện Riêng không được vượt quá mức giá tối đa của khung giá phát điện của loại hình năng lượng tái tạo tương ứng. Trong khi đó, Nghị Định 80/2024 cho phép các bên thương lượng giá điện mà không quy định rõ ràng về mức giá trần trong cơ chế DPPA này.
· Gánh Nặng Tiềm Ẩn Của Quy Định Bổ Sung – Nghị Định 57/2025 quy định rõ rằng Khách Hàng Sử Dụng Điện Lớn hoặc Đơn Vị Phát Điện Năng Lượng Tái Tạo phải tuân thủ quy hoạch phát triển lưới điện, kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực, và quy hoạch sử dụng đất.
· Khả Năng Bán Điện Cho Bên Bán Lẻ – Đơn Vị Phát Điện Năng Lượng Tái Tạo trong DPPA Lưới Điện Riêng được phép bán sản lượng điện dư cho đơn vị bán lẻ điện lân cận, bên cạnh việc bán cho EVN và các công ty con của Tập đoàn.
· Điều Kiện Đơn Vị Phát Điện Năng Lượng Tái Tạo Tham Gia Cơ Chế DPPA Nối Lưới – Bên cạnh các nhà máy điện gió và điện mặt trời theo quy định tại Nghị Định 80/2024, Nghị Định 57/2025 mở rộng phạm vi điều kiện tham gia bao gồm cả các nhà máy điện sinh khối có công suất từ 10 MW trở lên và tham gia thị trường bán buôn điện.
· Dịch Vụ Sạc Xe Điện – Nghị Định 57/2025 đã chính thức công nhận dịch vụ sạc xe điện là một loại hình dịch vụ độc lập (không được xem là hoạt động bán điện).
· Cơ Chế Phân Bổ Sản Lượng Điện – Mặc dù cơ chế cho phép một đơn vị phát điện năng lượng tái tạo ký hợp đồng với nhiều khách hàng đã được quy định trong Nghị Định 80/2024, Nghị Định 57/2025 đã đưa ra quy định chi tiết hơn về cách thức phân bổ sản lượng điện giữa các khách hàng. Cụ thể, tỷ lệ phân bổ cho từng khách hàng phải được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) đã thỏa thuận, với tổng tỷ lệ phân bổ không vượt quá 100%. Trong khi đó, Nghị Định 80/2024 chỉ đề cập một cách chung chung đến "nguyên tắc" phân bổ theo thỏa thuận.
· Không Có Mẫu Hợp Đồng Mua Bán Điện – Đối với PPA giữa Đơn Vị Phát Điện Năng Lượng Tái Tạo và EVN (đối với việc bán trên thị trường giao ngay) và hợp đồng giữa Công ty điện lực và người sử dụng điện, Nghị Định 57/2025 chỉ quy định các nội dung chính bắt buộc phải có trong hợp đồng, thay vì đưa ra mẫu hợp đồng chi tiết như trong Nghị Định 80/2024. Điều này có thể tạo điều kiện linh hoạt hơn trong việc đàm phán các điều khoản của hợp đồng theo quy định tại Nghị Định 57/2025, miễn là hợp đồng bao gồm đầy đủ các nội dung bắt buộc và không trái với các quy định của Nghị Định 57/2025.
· Rủi Ro Vẫn Tồn Tại – Nghị Định 57/2025 vẫn duy trì quyền của cơ quan nhà nước trong việc tạm đình chỉ hoặc chấm dứt DPPA nếu các bên lạm dụng chính sách để trục lợi và hậu quả gây ra không thể khắc phục. Rủi ro này có thể gây khó khăn cho các bên muốn ký kết DPPA dài hạn.
Bài viết được thực hiện bởi Hà Thanh Phúc và Nguyễn Quang Vũ. Các từ viết hoa được sử dụng trong bài viết này có nghĩa tương tự như được dùng trong bài viết trước đó của chúng tôi.