CHUYỂN NHƯỢNG CAM KẾT KHOẢN VAY GIỮA CÁC NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM
Quy định về ngân hàng của Việt Nam không có cơ chế rõ ràng về việc chuyển nhượng cam kết khoản vay giữa các ngân hàng và tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Cụ thể là,
· Theo Thông Tư 9/2015 của Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) về mua, bán nợ, mua, bán nợ được định nghĩa là việc chuyển giao “quyền đòi nợ” phát sinh từ nghiệp vụ cho vay của ngân hàng (NH Gốc) cho bên mua nợ có thể là ngân hàng hoặc không phải là ngân hàng. Định nghĩa về nợ theo Thông Tư 09/2016 không bao gồm cam kết khoản vay khi một ngân hàng chỉ cam kết cho bên vay vay tiền nhưng thực tế chưa giải ngân khoản vay. Vì vậy, mọi cơ chế mua bán nợ theo quy định của Thông Tư 9/2015 không được áp dụng trực tiếp cho việc chuyển nhượng cam kết khoản vay.
· Một cách để các ngân hàng giải quyết việc thiếu quy định về chuyển nhượng cam kết khoản vay là NH Gốc giải ngân khoản vay trên thực tế và sau đó chuyển nhượng khoản vay cho một ngân hàng khác (NH Mới) theo quy định của Thông Tư 9/2015. Tuy nhiên, theo Thông Tư 9/2015, nếu bên mua nợ là ngân hàng, NHNN sẽ yêu cầu NH Mới phải có giấy phép mua nợ. Không phải mọi ngân hàng tại Việt Nam đều được NHNN cấp phép hoạt động mua mua bán nợ.
· Theo các quy định về cho vay (Thông Tư 39/2016), cam kết khoản vay có thể được hiểu là cam kết của ngân hàng về việc giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng. Vì vậy, có thể nói rằng cam kết khoản vay được xem là nghĩa vụ cho vay của ngân hàng (tất nhiên là thường phụ thuộc vào bên vay đáp ứng các điều kiện tiên quyết nhất định). Vì vậy, việc chuyển nhượng cam kết khoản vay có thể được coi là chuyển nhượng nghĩa vụ và sẽ yêu cầu phải có chấp thuận của bên vay. Chấp thuận của bên vay thường không phải là vấn đề bởi một hợp đồng vay tiêu chuẩn sẽ có điều khoản chuyển nhượng, trong đó cho phép ngân hàng được chuyển nhượng bất kỳ quyền và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng vay cho một bên thứ ba.
· Sau khi mua cam kết khoản vay, NH Mới sẽ có nghĩa vụ cho bên vay vay tiền. Do đó, NH Mới và bên vay sẽ cần phải tuân thủ quy định của Thông Tư 39/2016 về vay ngân hàng. Trong trường hợp chuyển nhượng cam kết khoản vay, không rõ là làm thế nào NH Mới và bên vay có thể tuân thủ quy định của Thông Tư 39/2016. Ví dụ, theo Điều 4.1 của Thông Tư 39/2014, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo “thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng”. Trong trường hợp chuyển nhượng cam kết, NH Mới không ký kết thỏa thuận trực tiếp với Bên vay. Khi một ngân hàng cấp khoản vay cho một khách hàng, Điều 9 của Thông Tư 39/2016 yêu cầu bên vay phải gửi cho tổ chức tín dụng các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay. NH Gốc có thể có các tài liệu này nhưng NH Mới có thể không nhận được các tài liệu này trực tiếp từ bên vay trên cơ sở việc chuyển nhượng cam kết. Điều 16 của Thông Tư 39/2016 yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp cho bên vay các thông tin nhất định trước khi ký kết hợp đồng vay. Trong việc chuyển nhượng cam kết khoản vay, NH Mới có thể không tiếp xúc và cung cấp các thông tin này một cách trực tiếp cho Bên vay.
· Một cách khả thi để tuân thủ các yêu cầu khác nhau của Thông Tư 39/2016 là cơ cấu việc chuyển nhượng cam kết khoản vay thành một phần của việc cho vay hợp vốn. Theo quy định của Thông Tư 42/2011, cho vay hợp vốn là trường hợp có từ hai tổ chức tín dụng trở lên cùng thực hiện việc cấp khoản vay đối với một bên vay. Có thể lập luận rằng sau khi NH Mới mua cam kết khoản vay từ NH Gốc, NH Mới và NH Gốc cùng nhau cấp khoản vay cho cùng một bên vay. Vì vậy, nếu NH Mới và NH Gốc thỏa thuận hợp nhất hoạt động cho vay của mình, khi đó hoạt động cho vay giữa NH Mới và NH Gốc có thể phải tuân thủ các quy định về cho vay hợp vốn. Quy định về cho vay hợp vốn cho phép ngân hàng hợp vốn dựa vào một số hành động nhất định của ngân hàng đầu mối như thẩm định bên vay hoặc ký kết hợp đồng cấp tín dụng. Việc dựa vào quy định về cho vay hợp vốn mặc dù vậy có nhiều điểm không chắc chắn. Ví dụ, trong trường hợp này, NH Gốc phải sẵn sàng trở thành ngân hàng đầu mối của việc hợp vốn phát sinh từ việc chuyển nhượng cam kết khoản vay. Thậm chí nếu NH Gốc đồng ý trở thành ngân hàng đầu mối thay mặt cho NH Mới, các tài liệu vay gốc đã được ký bởi và nhân danh NH Gốc trước khi NH Mới tham gia giao dịch. NH Mới có thể dựa vào quy định của Bộ Luật Dân Sự 2015 để xác nhận rằng NH Mới sẽ bị ràng buộc theo các tài liệu vay gốc mà NH Gốc đã ký. Tuy nhiên, Bên vay vẫn có thể không thừa nhận việc này.
Với sự thiếu rõ ràng và thiếu cơ chế đối với việc chuyển nhượng cam kết khoản vay trong pháp luật Việt Nam, điều khoản chuyển nhượng trong hoạt động cho vay ngân hàng sẽ cần phải quy định chi tiết hơn về cơ chế chuyển nhượng cam kết khoản vay để có thể thực hiện được trên thực tế.
Bài viết được đóng góp một phần bởi Nguyễn Hoàng Duy, luật sư cộng sự của Venture North Law.