Quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất tại thị trường Việt Nam

Trong những năm gần đây đã có rất nhiều trường hợp các nhà sản xuất hàng hóa sử dụng những thành phần nhập khẩu tại Việt Nam bị coi là đã vi phạm quy tắc xuất xứ khi sử dụng cụm từ “Made in Vietnam” (ví dụ Asanzo, KhaiSilk và Seven.am). Do đó, việc hiểu về các quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa bán tại thị trường Việt Nam là cần thiết. Trong bài này, chúng tôi sẽ thảo luận về các quy tắc xuất xứ theo pháp luật nội địa Việt Nam và các quy tắc xuất xứ theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Quy tắc xuất xứ áp dụng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước ASEAN (bao gồm cả Việt Nam) (Hàng Hóa ASEAN) được quy định tại ATIGA. Trong khi đó, theo luật pháp Việt Nam, không có khung pháp lý để xác định nguồn gốc của hàng hóa được sản xuất và bán trong lãnh thổ Việt Nam (Hàng Nội Địa Việt Nam). Cụ thể, không rõ Hàng Nội Địa Việt Nam phải thỏa mãn những điều kiện hay tiêu chuẩn nào để có thể được dán nhãn “sản phẩm của Việt Nam”, “Made in Vietnam” hoặc tương tự.

Theo Điều 2(d) và Điều 3(c) của Hiệp định WTO về Quy tắc xuất xứ, các thành viên WTO phải đảm bảo rằng quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa xuất và nhập khẩu không được quy định nghiêm ngặt hơn quy tắc xuất xứ mà họ áp dụng để xác định xem một hàng hóa có phải là hàng nội địa không. Điều này có nghĩa là Hàng Nội Địa Việt Nam luôn phải tuân theo các quy tắc xuất xứ tương đương hoặc nghiêm ngặt hơn những quy tắc xuất xứ áp dụng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (hiện được quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ ngày 8 tháng 3 năm 2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (Nghị Định 31/2018).

Cả ATIGA và Nghị Định 31/2018 đều quy định rằng hàng hóa được coi là có nguồn gốc từ nước xuất khẩu nếu hàng hóa đó:

(1) được thu hoạch hoặc sản xuất toàn bộ tại chính quốc gia đó; hoặc

(2) không được thu hoạch hoặc sản xuất toàn bộ ở quốc gia đó, nhưng (i) sản phẩm cuối cùng có hàm lượng giá trị nội địa/ khu vực nhất định, hoặc (ii) nếu tất cả các nguyên vật liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó đã trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa của Hệ thống hài hòa (Mã số Hệ thống hài hòa (Mã HS) của các nguyên vật liệu đó khác với Mã HS của sản phẩm cuối cùng).

Tuy nhiên, theo ATIGA, một hàng hóa xuất xứ từ lãnh thổ của một Quốc Gia Thành Viên sẽ vẫn giữ nguyên trạng thái xuất xứ ban đầu của nó khi được xuất khẩu từ môt Quốc Gia Thành Viên khác nơi các công đoạn được thực hiện không vượt quá những công đoạn gia công, chế biến đơn giản (Công Đoạn Gia Công Chế Biến Đơn Giản) Những công đoạn gia công và chế biến đơn giản bao gồm:

(3) bảo đảm việc bảo quản hàng hóa trong tình trạng tốt khi vận chuyển hoặc lưu kho;

(4) hỗ trợ cho việc gửi hàng hóa hoặc vận chuyển; và

(5) đóng gói hoặc trưng bày hàng hóa để bán.

Một quy định tương tự cũng được quy định trong Nghị Định 31/2018. Tuy nhiên, theo Nghị Định 31/2018, lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh cũng được coi là một Công Đoạn Gia Công Chế Biến Đơn Giản. 

Có thể thấy rằng các quy tắc xuất xứ theo Nghị Định 31/2018 nghiêm ngặt hơn so với quy định của ATIGA. Điều này có nghĩa là so với các nhà sản xuất Hàng hóa ASEAN, các nhà sản xuất Hàng Nội Địa Việt Nam phải tuân theo các quy định dán nhãn xuất xứ chặt chẽ hơn.

Ví dụ: Một chiếc tivi được sản xuất tại Việt Nam bằng cách lắp ráp đơn giản các linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc (Mã HS của các linh kiện này khác với Mã HS của tivi).

(1) Nếu chiếc TV đó được xuất khẩu sang một quốc gia ASEAN khác, thì xuất xứ của nó sẽ được xác định theo quy tắc xuất xứ tại ATIGA. Theo đó, xuất xứ của chiếc TV đó sẽ là Việt Nam. Theo đó, nhãn “Made in Vietnam” có thể được gắn vào chiếc TV đó.

(2) Nếu chiếc TV đó được bán trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, xuất xứ của nó sẽ được xác định theo quy tắc xuất xứ ít nhất là tương đương với các quy định xuất xứtại Nghị Định 31/2018. Theo đó, do quá trình lắp ráp đơn giản, xuất xứ của chiếc tivi đó sẽ được xác định là xuất xứ của các linh kiện của nó, đó là Trung Quốc. Theo đó, nhãn “Made in Vietnam” không thể được gắn vào chiếc TV đó.

Bài viết được thực hiện bởi Nguyễn Thục Anh và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ