Miễn Trừ Chào Mua Công Khai Theo Luật Chứng Khoán 2019

Theo Luật Chứng Khoán 2019, liên quan đến một công ty cổ phần đại chúng (công ty mục tiêu), những chủ thể rơi vào các trường hợp phải chào mua công khai không phải thực hiện chào mua công khai trong một số trường hợp nhất định. Cụ thể:

·         Trường Hợp 1: Mua cổ phiếu mới phát hành, dẫn đến quyền sở hữu đạt đến giới hạn bắt buộc chào mua công khai, theo phương án phát hành đã được Đại Hội Đồng Cổ Đông của công ty mục tiêu thông qua.

·         Trường Hợp 2: Nhận chuyển nhượng cổ phiếu có quyền biểu quyết, dẫn đến quyền sở hữu đạt đến giới hạn bắt buộc chào mua công khai, như đã được thông qua bởi Đại Hội Đồng Cổ Đông của công ty mục tiêu. Trong trường hợp này, Đại Hội Đồng Cổ Đông phải xác định rõ đối tượng chuyển nhượng và đối tượng nhận chuyển nhượng.

·         Trường Hợp 3: Chuyển nhượng cổ phiếu giữa các công ty hoạt động theo nhóm công ty bao gồm tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ, công ty con mà không dẫn đến trường hợp sở hữu chéo theo quy định của Luật Doanh Nghiệp 2014.

·         Trường Hợp 4: Tổ chức, cá nhân sở hữu cổ phiếu trong các đợt đấu giá chứng khoán chào bán ra công chúng, các đợt chào bán khi chuyển nhượng vốn nhà nước hoặc vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác.

·         Trường Hợp 5: Tổ chức, cá nhân sở hữu cổ phiếu từ hoạt động chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.

·         Trường Hợp 6: Tặng cho, thừa kế cổ phiếu.

·         Trường Hợp 7: Chuyển nhượng cổ phiếu theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài. 

Dưới đây là một số nhận định đối với các trường hợp trên:

· Trong Trường Hợp 2, Luật Chứng Khoán 2019 quy định thêm nghĩa vụ cho Đại Hội Đồng Cổ Đông để xác định rõ người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng trong khi Trường Hợp 1 im lặng về việc này. Theo đó, có thể hiểu rằng khi miễn trừ trong Trường Hợp 1, không bắt buộc phải xác định cụ thể nhà đầu tư trong phương án phê duyệt.

· Về Trường Hợp 3, theo Luật Chứng Khoán 2006, việc chuyển nhượng cổ phiếu giữa những công ty tổ chức dưới dạng công ty mẹ và công ty con được miễn chào mua công khai. Theo Luật Chứng Khoán 2019, các chủ thể áp dụng miễn trừ được mở rộng để bao gồm các công ty tổ chức theo mô hình nhóm công ty gồm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ, công ty con. Ngoài ra, luật mới còn đưa ra một điều kiện khác cho việc miễn trừ đó là việc chuyển nhượng không được dẫn đến trường hợp sở hữu chéo theo Luật Doanh Nghiệp.  

· Theo Trường Hợp 4, không rõ liệu việc miễn trừ áp dụng cho (1) nhà đầu tư đang mua lại hoặc đã mua lại cổ phiếu từ các sự kiện liên quan, hay (2) cổ phiếu mua lại từ các sự kiện nêu trên. Cách hiểu (2) là hợp lý hơn. Vì nếu (1) áp dụng, nhà đầu tư có liên quan có thể lập luận rằng sau các sự kiện được mô tả, họ vẫn có thể mua thêm cổ phần trong công ty mục tiêu mà không phải tuân thủ các yêu cầu chào mua công khai. 

· Trường Hợp 5 là một trường hợp mới không có trong Luật Chứng Khoán 2010.

· Liên quan đến Trường Hợp 7, việc miễn trừ được (i) làm rõ chỉ áp dụng cho các quyết định/bản án “đã có hiệu lực pháp luật” và (ii) mở rộng thêm áp dụng cho các quyết định trọng tài.

· Bộ Tài Chính không còn có quyền quy định thêm các trường hợp không phải chào mua công khai theo Luật Chứng Khoán.

· Vẫn chưa rõ liệu cổ đông bán và người có liên quan của họ hoặc một cổ đông là chính nhà đầu tư hoặc người có liên quan của nhà đầu tư có thể biểu quyết chấp thuận miễn trừ chào mua công khai trong Trường Hợp 1 và Trường Hợp 2 hay không. 

Bài viết được thực hiện bởi Trần Thủy Tiên và Lê Thanh Nhật và do Nguyễn Quang Vũ biên tập.