Thiệt Hại Về Uy Tín phát sinh từ các vi phạm hợp đồng thương mại theo pháp luật Việt Nam

Ở Việt Nam, việc bên bị vi phạm yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại mà gây tổn hạiđến uy tín của mình (Thiệt Hại Về Uy Tín) do các vi phạm hợp đồng thương mại gây ra bởi bên vi phạm thì không phổ biến. Tuy nhiên, về nguyên tắc, Thiệt Hại Về Uy Tín do vi phạm hợp đồng thương mại nên được  bồi thường và đền bù theo pháp luật Việt Nam vì các lý do sau:

·         Theo Điều 419.3 và 361.3 của Bộ Luật Dân Sự 2015, bên bị vi phạm có thể yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng, trong đó bao gồm, bên cạnh những thiệt hại về tinh thần khác, thiệt hại về tinh thần do xâm phạm uy tín;

·         Thiệt Hại Về Uy Tín có thể được coi là “tổn thất thực tế và trực tiếp” theo Điều 302.2 của Luật Thương mại 2005 nếu bên bị vi phạm đã thực tế phải chịu tổn thất  về uy tín phát sinh trực tiếp từ hành vi vi phạm hợp đồng gây ra bởi bên vi phạm;

·         Sự thay đổi quan trọng của một trong những căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại từ “có thiệt hại vật chất xảy ra” theo Điều 230.2 của Luật Thương mại 1997 thành “có thiệt hại thực tế xảy ra” theo Điều 303.2 của Luật Thương mại 2005 nên được giải thích là những thiệt hại có thể được bồi thường theo Luật Thương mại 2005 nên bao gồm cả thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần; và

·         Quan điểm này cũng được ủng hộ bởi Tiến sĩ Đỗ Văn Đại trong cuốn sách của mình “Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án” (Tập 2, trang 494).

Mặc dù vậy, một người vẫn có thể lập luận rằng chỉ có cá nhân mới có thể đưa ra yêu cầu bồi thường Thiệt Hại Về Uy Tín. Điều này là vì Điều 361.3 của Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định rằng thiệt hại về tinh thần là những tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể. Cụm từ “các lợi ích nhân thân khác” gợi ý rằng thiệt hại về tinh thần theo Điều 361.3 được gắn liền với những lợi ích nhân thân mà có thể là quyền nhân thân của cá nhân. Theo Bộ Luật Dân Sự 2015, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, bao gồm, trong số những quyền khác, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể và quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm và uy tín.

Cả Luật Thương mại 2005 và Bộ Luật Dân Sự 2015 đều không đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách thức đánh giá thiệt hại về tinh thần nói chung và Thiệt Hại Về Uy Tín nói riêng phát sinh từ vi phạm hợp đồng. Do đó, khi đánh giá Thiệt Hại Về Uy Tín đối với bên bị vi phạm theo hợp đồng, tòa án có thể cần áp dụng tương tự các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Nghị quyết 3/2006. Quan điểm này cũng được ủng hộ bởi Tiến sĩ Đỗ Văn Đại trong cuốn sách “Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ Luật Dân Sự 2015”.

Bài viết này được thực hiện bởi Trịnh Phương Thảo, Nguyễn Bích Ngọc và được biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.