Nghĩa vụ của công ty Việt Nam đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng trong khi chờ xác nhận đăng ký của UBCKNN

Một công ty Việt Nam đáp ứng các điều kiện là công ty đại chúng nhưng chưa đăng ký công ty đại chúng với Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước (UBCKNN) có thể không cần tuân thủ các nghĩa vụ của công ty đại chúng theo pháp luật Việt Nam.

Theo Luật Chứng Khoán 2019, công ty đại chúng là công ty cổ phần đáp ứng các điều kiện sau (Điều Kiện Bắt Buộc):

·         có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên, và

·         có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ.

Luật Chứng Khoán 2019 cũng quy định:

·         công ty đáp ứng các Điều Kiện Bắt Buộc phải nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng cho UBCKNN; và

·         sau khi UBCKNN xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, công ty có liên quan đó sẽ có các quyền và nghĩa vụ của công ty đại chúng như công bố thông tin, quản trị công ty, và đăng ký giao dịch cổ phiếu.

Tuy nhiên, pháp luật không quy định về nghĩa vụ của một công ty đã đáp ứng các Điều Kiện Bắt Buộc nhưng chưa được UBCKNN xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng.

Có một số lập luận hợp lý rằng một công ty như vậy không phải tuân thủ các nghĩa vụ của công ty đại chúng. Điều này là do:

·         Luật Chứng Khoán 2019 quy định rõ ràng rằng sau khi UBCKNN xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, công ty có liên quan đó sẽ có các nghĩa vụ của công ty đại chúng. Quy định này hàm ý rằng trước khi được UBCKNN xác nhận về tư cách công ty đại chúng, công ty có liên quan không cần phải tuân thủ các nghĩa vụ đó.

·         Điều 38 Luật Chứng Khoán 2019 quy định thêm rằng một công ty cổ phần không còn đáp ứng Điều Kiện Bắt Buộc vẫn phải tuân thủ các nghĩa vụ của công ty đại chúng cho đến thời điểm UBCKNN thông báo hủy tư cách công ty đại chúng. Quy định này cũng gợi ý rằng nghĩa vụ của công ty đại chúng gắn liền với tình trạng đăng ký của công ty có liên quan.

·         Việc đăng ký công ty đại chúng có thể được coi là đăng ký pháp nhân theo Điều 82 và Điều 86 Bộ Luật Dân Sự 2015. Trường hợp phải đăng ký pháp nhân thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân đó chỉ phát sinh từ thời điểm được ghi vào sổ đăng ký. Theo đó, có thể hiểu nghĩa vụ của công ty đại chúng chỉ phát sinh khi được UBCKNN xác nhận hoàn tất việc đăng ký.

Mặt khác, một số ý kiến vẫn có thể lập luận rằng một công ty cần phải tuân thủ các nghĩa vụ nhất định của công ty đại chúng trước khi có xác nhận của UBCKNN, miễn là công ty đó đáp ứng các Điều Kiện Bắt Buộc. Cụ thể:

·         Theo Điều 118.1 Luật Chứng Khoán 2019, một số tổ chức không phải là công ty đại chúng phải công bố thông tin, chẳng hạn như tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng hoặc tổ chức niêm yết trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, công ty chưa được UBCKNN xác nhận là công ty đại chúng vẫn có thể phải công bố các thông tin liên quan.

·         Theo Điều 33.1(d) Luật Chứng Khoán 2019, bản công bố thông tin kèm theo hồ sơ đăng ký công ty đại chúng phải bao gồm thông tin về mô hình tổ chức bộ máy, bộ máy quản lý, cơ cấu cổ đông và các thông tin khác của công ty đại chúng. Do đó, nhiều khả năng tại thời điểm đăng ký, công ty phải tuân thủ các nghĩa vụ liên quan đến quản trị công ty của công ty đại chúng để được UBCKNN xác nhận hoàn tất việc đăng ký.

·         Ngoài ra, theo Điều 7.2(a) Thông tư 96/2020 của Bộ Tài Chính về công bố thông tin, công ty đại chúng phải lập trang thông tin điện tử khi thực hiện thủ tục đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN. Quy định này cho thấy một công ty được coi là công ty đại chúng và phải thực hiện các nghĩa vụ của mình (ít nhất là nghĩa vụ lập trang thông tin điện tử) ngay cả khi UBCKNN chưa xác nhận hoàn tất việc đăng ký.

·         Trên thực tế, với mục đích bảo vệ nhà đầu tư, sẽ phù hợp hơn nếu bất kỳ công ty nào đáp ứng Điều Kiện Bắt Buộc phải tuân thủ các nghĩa vụ của công ty đại chúng bất kể tình trạng đăng ký của công ty đó.

Bài viết này được thực hiện bởi Trần Đức Long và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.